Cứ tưởng cái gì tốt thì càng ăn nhiều càng tốt. Đó là một sai lầm rất lớn, đặc biệt là uống nước chè. Có người uống quá nhiều nước chè, khỏe đâu chưa thấy chỉ thấy càng lúc càng đông số bệnh nhân tăng chất sắt trong máu, trong gan. Vậy thì uống bao nhiêu là đủ và tốt?
Uống trà khác xa uống nước
Nhiều người khi pha trà cứ tưởng phải nước thật sôi thì trà mới ngon, pha càng đậm càng tốt. Không đúng về cả khẩu vị lẫn mục tiêu phục vụ sức khỏe. Các nhà khoa học ở ĐH Heidelberg, CHLB Đức sau công trình nghiên cứu về trà kéo dài cả chục năm đã chứng minh rõ ràng:
• Liều lý tưởng để tận dụng hoạt chất chống lão hóa của trà là năm tách (150ml) mỗi ngày. Uống quá nhiều trà chỉ dẫn đến rối loạn biến dưỡng do tích lũy khoáng tố sắt vốn có hàm lượng rất cao trong trà. Chính vì thế, không có gì khó hiểu khi chỉ uống vài tách trà thì tinh thần minh mẫn nhưng uống trà quá nhiều thì mệt mỏi lại là dấu hiệu thường gặp.
• Nhiệt độ lý tưởng để trích ly tối đa hoạt chất trong trà là 75-80 độ C. Do đó, đừng pha trà với nước vừa nấu sôi mà nên để nguội khoảng 5 phút. Để chén trà chỉ chứa toàn hoạt chất hữu ích cho cơ thể thì thời gian hãm trà cũng đừng lâu hơn 7 phút. Người có cơ tạng quá nhạy cảm nên tránh nước nhất, dù là nước nhất bao giờ cũng... ngon!
• Để ổn định chất lượng của trà phải bảo quản trà trong chai lọ đậy thật kín vì hương vị và hoạt chất của trà dễ bị phá hủy bởi không khí và ánh sáng. Trà cũng nên được đóng gói riêng biệt để giữ hương vị độc đáo.
Chén trà hơn thang thuốc
Thi nhân mặc khách thích uống trà vì trà hưng phấn chức năng tư duy và nhận thức. Tác dụng hưng phấn thần kinh của trà dù vậy bao giờ cũng lành mạnh hơn cà phê nhờ hàm lượng hoạt chất cafein trong trà, nếu tính trên cùng thể lượng, không bằng phân nửa lượng cafein trong cà phê. Bên cạnh đó, nhờ có sự hiện diện của nhóm hoạt chất catechine trong thành phần, cafein trong trà không gây phản ứng cồn cào bao tử, cũng không kích ứng niêm mạc đường tiêu hóa như với cafein trong cà phê, theo nhận định của Trung tâm Nghiên cứu Ung thư ở CHLB Đức.
Bên cạnh tác dụng trên hệ thần kinh, trà là thức uống vừa lòng giới nha sĩ nhờ tác dụng bảo vệ men răng của khoáng tố fluor trong trà.
Theo kết quả nghiên cứu trên 1.000 đối tượng ở ĐH South California, Hoa Kỳ, phụ nữ thường uống trà ít khi bị ung thư vú.
Theo nhiều nhà dược lý, catechine trong trà (EGCG) là nhóm hoạt chất chống ung thư và ngăn ngừa lão hóa với hiệu năng rất cao. Theo nghiên cứu của Viện Độc chất ung thư ở Đức, nhờ tác dụng hỗ trợ của kẽm, sắt, nhiều loại men và sinh tố C có sẵn trong trà, EGCG có khả năng tái tạo tế bào đã bị thương tổn, đồng thời ngăn chặn tình trạng ngẫu biến trong di thể tế bào, nguyên nhân dẫn đến ung thư.
Uống trà cũng lắm công phu
Chén trà xanh nhờ trà đạo của người Nhật đã từ lâu nhẹ nhàng bước qua ngưỡng cửa của nghệ thuật. Thông qua việc tập trung tư tưởng trong suốt thời gian chuẩn bị chén trà, một thức uống rất đơn giản đã chiếm trọn lòng người bằng màu, mùi và vị. Có người vì quá mến chén trà đã không ngần ngại so sánh trà đạo với phương pháp thiền định. Cũng có người do nhớ trà nên dù bận rộn đến đâu thì giờ uống trà vẫn là thời điểm vô cùng trân trọng. Theo quy ước của trà đạo trên đảo Phù Tang, ẩm khách muốn thưởng thức trọn vẹn hương vị tuyệt vời của chén trà xanh phải lường nước sao cho đủ uống đúng ba ngụm rưỡi!
Có cần thiết phải như thế không? Liệu nếu chỉ được ba ngụm hay nếu lỡ kéo thêm đến bốn ngụm thì có phá mất hương vị độc đáo của chén trà?! Chắc là không đến nỗi trầm trọng đến thế. Nhưng tại sao người yêu trà nên giữ cho đúng ba ngụm rưỡi? Có lẽ ba ngụm đầu để tao nhân khi uống trà ba lần tận hưởng hương vị tích lũy của chén trà và nửa ngụm cuối để ẩm khách bất ngờ thấm thía ý nghĩa phù du của cuộc sống, khi ngụm trà nửa vời sao quá ngắn ngủi, như cuộc sống nhuộm màu tranh đua trong gông cùm của công danh phú quý chợt một ngày bỗng trở thành trống vắng khi sức khỏe nằm ngoài tầm tay.