Trên FB cá nhân trong cuối tháng 6, một người Việt ở Úc đã chia xẻ nhận xét của một vài người bạn người Úc mới đi du lịch Việt Nam về kể.
Khi được hỏi cái gì làm cho họ ngạc nhiên nhất, những người Úc trả lời không hề đắn đo: "quán nhậu!". Bởi vì họ đã đi gần hết thế giới, nhưng chưa thấy có quốc gia nào nhiều quán nhậu như ở Việt Nam. Từ Hà Nội vô tới Sài Gòn, dừng lại ở Huế, Hội An, Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tàu… không có thành phố nào mà không tràn ngập quán nhậu. Người này nói tại Ireland, Úc- là những quốc gia được xếp loại dân uống rượu có tầm cỡ thế giới- mỗi thị trấn chỉ có một cái pub và dăm ba cái club. Nhưng ở Việt Nam thì pub và club khắp nơi.
Khi được hỏi quán nhậu ở Việt Nam nhiều như vậy là tốt hay không, người bạn Úc nói khi một xã hội mà thanh niên và thiếu nữ không biết đi đâu, không biết làm gì khác ngoài việc đi vào quán nhậu, thì đó là biểu hiện của sự bế tắc ở cấp độ từng cá nhân. Và nếu có vô số những đám đông với những cá nhân như vậy, đó là sự bế tắc của cả xã hội. Họ tìm đến với cồn để tạm quên những vấn đề trước mắt. Người dân Việt Nam tỏ vẻ hạnh phúc khi ngồi trước ly bia, và tạm quên những thử thách trước mắt. Nhưng họ vẫn phải đối diện với những thử thách này trong ngày hôm sau.
Thực ra, tình trạng xã hội tràn ngập quán nhậu đã là một thực tế đáng báo động của Việt Nam từ nhiều năm nay, nhưng không thấy hướng giải quyết. Một đặc điểm đáng nói nữa của các quán nhậu tràn lan ở Việt Nam, đó là rất đa dạng, đủ mọi cỡ giá, để cho mọi thành phần xã hội đều có thể nhậu nhẹt thoải mái. Từ những quán bình dân vỉa hè có giá chục ngàn-trăm ngàn, cho đến những quán sang trọng dành cho những khách trả tiền triệu-chục triệu cho một bữa nhậu.
Trên báo Thanh Niên vào giữa Tháng 5 2019 đã đưa tin về một báo cáo tình hình tiêu thụ rượu bia trên toàn thế giới của tạp chí ý khoa Lancet (Anh). Theo báo cáo này, Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng tiêu thụ rượu lớn nhất thế giới, gần 90% kể từ năm 2010! Tỉ lệ “tăng trưởng rượu bia” của Việt Nam gấp khoảng 2,5 lần tốc độ tiêu thụ của Ấn Độ (37,2%). Năm 2017, bình quân mỗi người Việt uống gần 9 lít rượu bia, trong khi con số này tại Ấn Độ là 5,9 lít; Nhật Bản là 7,9 lít. Trong một báo cáo công bố năm 2018, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đánh giá mức tiêu thụ rượu bia của người Việt ở bậc cao so với các quốc gia khác trong khu vực. Ước tính, trung bình mỗi người Việt trên 15 tuổi tiêu thụ 8,3 lít cồn nguyên chất trong một năm, nhiều hơn người Trung Quốc, và gấp 4 lần người Singapore.
Trong một quốc gia vẫn còn nghèo, kém phát triển như Việt Nam, thì “tỉ lệ tăng trưởng rượu bia” nhất thế giới quả thật là đáng buồn.
Vẫn theo báo Thanh Niên, tốc độ tiêu thụ rượu bia tăng chóng mặt tỷ lệ thuận với tai nạn giao thông do say xỉn. Kết quả một cuộc khảo sát do Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thực hiện tại 10 tỉnh, thành năm 2016 cho thấy, tỷ lệ các vụ tai nạn do rượu bia chiếm khoảng 39,6%. Chỉ trong 4 ngày Tết dương lịch 2019, chỉ riêng Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) đã tiếp nhận hơn 200 ca cấp cứu do tai nạn giao thông, nhiều ca chấn thương sọ não, đa chấn thương. Hầu hết nạn nhân trong độ tuổi từ 20 - 30, nhập viện vẫn còn mùi bia rượu nồng nặc.
Tại sao tình trạng đáng báo động như vậy mà chính quyền CSVN- vốn rất mạnh tay với người dân khi họ đòi quyền tự do, dân chủ- lại không có hướng giải quyết? Có nhiều nguyên nhân. Các nhà máy sản xuất bia rượu mọc ra tại nhiều tỉnh thành là một nguồn thu lớn của kinh tế Việt Nam. Người dân Việt Nam không có nhiều lựa chọn trong giải trí là một nguyên nhân khác. Và chính quyền cũng có chủ trương người dân tìm vui trong men rượu, để quên đi những bế tắc lớn khác trong lĩnh vực chính trị, xã hội, kinh tế của đất nước.
Vấn nạn về rượu bia vẫn sẽ là đề tài lớn của Việt Nam trong nhiều năm tới.