Bài viết của Luật sư Nguyễn Quốc Lân
Cử tri tại California sẽ có cơ hội tuyển chọn một số các dự luật trưng cầu dân ý trong kỳ bầu cử hiện nay và kết thúc vào ngày 8 tháng 11 sắp tới. Tổng số các dự luật năm nay có vẻ ít hơn so với các năm trước, nhưng không có nghĩa là kém phần quan trọng. Hầu hết các dự luật này đề có ảnh hưởng sâu rộng đến toàn thể mọi cư dân tại California, và có khi còn là mô hình cho các tiểu bang khác noi theo. Do đó, việc cân nhắc sự chọn lựa Yes/No cho mỗi dự luật là một quyết định quan trọng cho mỗi cử tri và cư dân tại tiểu bang California.
Năm nay, tiểu bang California sẽ có tất cả 7 dự luật, bắt đầu bằng số 1 cộng với các dự luật khác mang ký số 26 đến 31. Việc chọn danh số 1 cho một dự luật đang gây sôi nổi nhất trong kỳ bầu cử này, đó là việc đưa quyền được tự do phá thai vào Hiến Pháp Tiểu Bang California thay vì mang một ký số trong dãy số 26 đến 31 cũng mang một yếu tố chính trị vì thế lực chính trị cầm quyền tại California, đó là Đảng Dân Chủ, muốn đứng riêng rẻ vì tầm mức quan trọng của dự luật này.
Tất cả các yếu tố chi tiết của mỗi dự luật như ký số, tên gọi, thành phần tài trợ, thành phần chống đối, lập luận hỗ trợ hay chống đối hay đối tượng hưởng lợi được nêu ra đều có yếu tố chính trị, kinh thế và có ảnh hưởng đến mức độ thành công hay thất bại của mỗi dự luật. Các cử tri cần phải đọc các dự luật qua lớp màn che này để hiểu rõ ý định và mục tiêu của mỗi dự luật. Đây là một vấn đề rất nan giải cho các cử tri trên toàn tiểu bang California đang phải có trách nhiệm phân giải những giải pháp khó giải như thế này.
Dự Luật Số 1 – Đưa quyền tự do phá thai vào Hiến Pháp California
Quyền được phá thai vẫn được công nhận từ trước đến nay tại California, tuy có một số giới hạn dựa trên các án lệ hay luật pháp liên bang. Sau khi Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ đã hủy bỏ án lệ Roe vs. Wade là nền tảng của quyền được phá thai tại Hoa Kỳ và giao quyền hành đó về các tiểu bang để tự quyết định, tiểu bang California đã ban hành nhiều luật lệ khác nhằm bảo vệ và tăng cường quyền được phá thai tại California cũng như hỗ trợ cư dân từ nhiều tiểu bang khác nơi vẫn còn ngăn cản quyền được phá thai. Một bước ngoặc đột phá nhất trong tiến triển này là đưa quyền được phá thai vào Hiến Pháp California và công nhận quyền đó như là một quyền tự do căn bản tương tự như các quyền tự do khác như quyền tự do phát biểu, hội họp hay được riêng tư. Phương thức này có thể là mẫu hình cho các tiểu bang khác có thể noi theo để bảo vệ và nâng cấp quyền được phá thai tại các tiểu bang đó.
Mặc dầu tiểu bang California vẫn đang có quyền được tự do phá thai, có khi là rộng rãi nhất so với nhiều tiểu bang khác, nhưng khi đưa quyền này vào Hiến Pháp tiểu bang thì quyền đó sẽ được bảo vệ nhiều hơn vì không thể thay được bởi ngành lập pháp, giới hạn thẩm quyền giới hạn bởi tòa án và rất khó thay đổi sau này cho dầu khuynh hướng chính trị tại tiểu bang chuyển dần sang hướng Đảng Cộng Hòa. Đó là tầm mức quan trọng và mục đích thực sự của dự luật này trong cuộc bầu cử hiện nay.
Mặc dầu các luật lệ hiện nay tại tiểu bang California vẫn giới hạn quyền được phá thai vào thời điểm thai nhi có thể sống ở bên ngoài tử cung của người mẹ hay có nguy hiểm đến mạng sống của người mẹ dựa trên giới hạn liên hệ đến án lệ Roe vs. Wade của liên bang, Dự Luật 1 không nhắc gì đến các giới hạn đó. Điều đó có nghĩa là quyền được phá thai có thể được công nhận và mở rộng mà không có giới hạn gì hết.
Các đoàn thể, tổ chức hay tôn giáo tại khắp nơi trên toàn Hoa Kỳ như Giáo Hội Công Giáo, Tin Lành, Phật Giáo, Đảng Cộng Hòa hay Right to Life, đang vận động ráo riết để chống lại dự luật này vì đây là một tiền lệ nguy hiểm cho quyền được tự do phá thai trên toàn tiểu bang California.
Các thành phần hỗ trợ quyền phá thai, như Đảng Dân Chủ, ACLU, Planned Parenthood, thì đang ráo riết vận động cho việc thông qua dự luật này vì đó là tiêu chuẩn quan trọng nhất cho các thành phần cấp tiến này.
Đây là một quyết định mà mỗi cử tri tại California cần phải cân nhắc thận trọng dựa trên quan điểm riêng tư của cá nhân, gian đình, tôn giáo và cộng đồng của mình.
Dự Luật 26 – Cho phép cá độ thể thao hay đánh bài có sử dụng hột xí ngầu
Tiểu bang California hiện nay vẫn có nhiều giới hạn về cờ bạc, phần lớn là tại một số ít sòng bài trong thành phố hay tại các bộ lạc người Mỹ Nguyên Thủy (Indian Reservation). DL 26 sẽ cho phép cá độ thể thao tại các trường đua ngựa và nới rộng các hình thức đánh bài mà có sử dụng hột xí ngầu tại các khu vực bảo tồn của người Mỹ Nguyên Thủy (Indian Reservation)
Việc mở rộng hình thức cờ bạc này có thể đem lại khoảng vài chục triệu đollars cho ngân quỹ của tiểu bang. Tuy nhiên, các thành phần chống đối thì cho rằng đây là một bước tiến để từng bước mở rộng các hình thức cờ bạc tại California.
Các hình thức cờ bạc có tác dụng tai hại rất lớn trong các cộng đồng Á Châu, đặc biệt là Việt Nam. Do đó, việc cân nhắc hỗ trợ hay chống đối dự luật này là một cân nhắc rất quan trọng cho người Việt tại California.
Dự Luật 27 – Cho phép cờ bạc qua điện toán và điện thoại cầm tay
Khác với DL 26, Dự Luật 27 là một dự luật quan trọng cho vấn đề cờ bạc tại California vì nếu được thông qua, tiểu bang California có thể trở thành một thiên đường cho vấn đề cờ bạc từ khắp mọi nơi vì ai cũng có thể tham gia đánh bài qua máy điện toán hay điện thoại cầm tay của mình. Các công ty cờ bạc ngoài tiểu bang đang tung ra hàng trăm triệu Mỹ kim để vận động cho dự luật này với lời hứa hẹn là tiểu bang California sẽ thâu về hàng tỷ Mỹ kim tiền ngân quỹ để giải quyết vấn đề người vô gia cư và nạn cháy rừng tại tiểu bang.
Lời hứa hẹn tiền bạc có thể rất lớn cho tiểu bang California, nhưng tai hại cho người dân có thể không lường được vì mọi người từ mọi nơi, kể cả con nít hay người ở ngoài tiểu bang, có thể tham gia tại một địa bàn hoạt động rất lớn tại Hoa Kỳ. Vì tác dụng của vấn đề cờ bạc có tác dụng tai hại rất lớn cho các cộng đồng Á Châu, kể cả cộng đồng Việt Nam, đây là một quyết định rất quan trọng cho tất cả mọi cư dân tại California, đặc biệt là những người gốc Việt tại đây. Quyết định này có thể ảnh hưởng đến cuộc sống người Việt tại khắp nơi trên toàn Hoa Kỳ chứ không riêng gì tại California.
Dự Luật 28 – Thêm sự tài trợ cho giáo dục âm nhạc và nghệ thuật
Dự Luật 28, nếu được thông qua, sẽ buộc tiểu bang tài trợ thêm khoảng $1 tỷ Mỹ kim lên trên mức tài trợ thông thường để dành riêng cho giáo dục về âm nhạc về nghệ thuật. Tiểu bang California thông thường có mức tài trợ cho nền giáo dục tổng quát khoảng 40% tài khóa, hay khoảng $100 tỷ Mỹ kim trên toàn tiểu bang. Tuy nhiên, với rất nhiều nhu cầu về giáo dục, ngành giáo dục về âm nhạc và nghệ thuật luôn được xếp vào hàng thứ yếu và tùy thuộc vào cấp học khu tại mỗi địa phương tùy theo hoàn cảnh tài chánh của họ.
Dự Luật 28 buộc rằng tiểu bang phải chi thêm khoảng $1 tỷ Mỹ kim lên trên ngân khoảng riêng như thường lệ để tài trợ riêng cho vấn đề giáo dục về âm nhạc và nghệ thuật, phần lớn là để thuê mướn các thầy cô giáo để giảng dạy về vấn đề âm nhạc và nghệ thuật.
Đây là một vấn đề quan trọng cho các cộng đồng nơi có đông người di dân hay người nghèo, trong đó có cộng đồng Việt Nam. Tại những địa phương này, các hệ thống giáo dục luôn gặp nhiều khó khăn về tài chánh để chi trả cho nhiều nhu cầu cấp bách hơn, cho nên vấn đề giáo dục về âm nhạc và nghệ thuật trở thành thứ yếu. Thêm vào đó, các cộng đồng này là nơi nhu cầu giáo dục về âm nhạc và nghệ thuật có nhu cầu cao hơn vì các cộng đồng di dân hay có lợi tức thấp thường không có phương tiện cho con em học thêm các môn về âm nhạc hay nghệ thuật không có trong trường học.
Do đó, các cử tri gốc Việt nên cân nhắc để hỗ trợ cho dự luật này.
Dự Luật 29 – Buộc các trung tâm lọc thận phải có bác sĩ trực tại chỗ
Dự Luật 29, nếu được thông qua, sẽ buộc các trung tâm lọc thận phải có bác sĩ hay các chuyên viên y tế có mặt thường trực. Dự luật này đã được đưa ra hai năm trước nhưng đã thất bại. Thông thường các trung tâm lọc thận hiện nay không cần phải có bác sĩ thường trực. Do đó, các các trung tâm có thể được mở ra rộng rãi và tạo điều kiện dễ dàng cho các bệnh nhân có thể sử dụng thường xuyên mà không cần phải đến các trung tâm chuyên môn thường là tốn kém, khó khăn hay không thuận tiện.
Nếu buộc phải có bác sĩ trực thì các trung tâm này lại kêu ca là không có lời nên phải đóng cửa nếu không có lợi nhuận đủ, và do đó gây khó khăn thêm cho các bệnh nhân cần có dịch vụ này. Các trung tâm này nêu ra là từ trước đến này các trung tâm này vẫn không có bác sĩ và vẫn không có trở ngại gì hết, vì nếu có, thỉ Bộ Y Tế của tiểu bang đã buộc phải có bác sĩ rồi.
Cuộc tranh cãi này phần lớn chỉ là vấn đề tiền bạc, mức lợi nhuận của các trung tâm dịch vụ và đứng giữa là các bệnh nhân cần có dịch vụ này thường xuyên. Các cử tri cần cân nhắc quyết định này dựa trên mức độ an toàn và thuận tiện cho các bệnh nhân, chứ không phải mức độ tiền lời của các cơ sở thương mại cung cấp các dịch vụ này.
Dự Luật 30 – Tăng thuế người giàu để tài trợ chương trình giảm ô nhiễm không khí
Dự Luật 30, nếu được thông qua, sẽ đánh thuế thêm 1.75% trên lợi tức của những người có mức lợi tức trên $2 triệu Mỹ kim mỗi năm. Những người có mức lợi tức trên $1 triệu Mỹ kim tại Tiểu Bang California trong nhiều năm qua vẫn là đối tượng bị buộc phải trả thêm thuế lên trên các mức thuế thông thường khác. Số tiền thuế thâu được từ DL 30 sẽ từ khoảng $3.5 đến $5 tỷ Mỹ kim và sẽ dùng vào tài trợ cho việc mua xe chạy bằng điện, các trạm charge điện cho xe chạy bằng điện và giảm thiểu việc cháy rừng.
Phe vận động cho DL 30 thì cho rằng những người ở mức lợi tức này có thể đóng thêm một phần thuế để tài trợ cho mục đích quan trọng này tại California. Các thành phần chống đối thì cho rằng đây chỉ là thêm một hình thức thâu thuế người giàu để chi trả cho các chi phí mà đúng ra tiểu bang nói chung phải chi trả. Đây là tranh cãi muôn đời giữa Đảng Dân Chủ và Cộng Hòa với Đảng Dân Chủ lúc nào cũng muốn đóng thuế thêm và Đảng Cộng Hòa lúc nào cũng muốn bảo vệ cho người giàu.
Cử tri là người quyết định trong cuộc tranh cãi muôn năm này.
Dự Luật 31 – Cấm bán các sản phẩm thuốc lá có mùi vị
Dự luật này nhằm phê chuẩn Đạo Luật SB 793 được tiểu bang thông qua năm 2020 nhằm ngăn cấm mua bán các sản phẩm thuốc là có mùi vị đối với người lớn tại tiểu bang California. Việc mua bán các sản phẩm này đối với các thiếu niên dưới 21 tuổi hiện nay vẫn được cấm cản. Trên thực tế, các sản phẩm này không nguy hại gì hơn so với thuốc lá hay rượu bia nhưng vẫn là một dòng sản phẩm có gây nguy hiểm đến sức khỏe cũng giống như thuốc lá và bia rượu mà thôi.
Phe vận động thì cho rằng loại sản phẩm có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe và sẽ gây tốn kém cho cho phí y tế sau này, do đó nếu có cơ hội ngăn cản thì nên thực hiện vào lúc này. Phe chống đối thì cho rằng ngăn cấm đối với người lớn không phải là giải pháp hiệu quả vì điều đó sẽ tạo nên thị trường chợ đen bất hợp pháp và không kiểm soát được ai sẽ nhận được những sản phẩm này, cho dầu là con nít hay người lớn.
Vấn đề cho cử tri lựa chọn là có nên hay không nên ngăn cấm mua bán các sản phẩm này đối với người lớn trong khi không áp dụng dụng việc ngăn cấm đó đố với thuốc lá hay rượu bia.
Kết luận
Cuộc tranh cử tại California đã bắt đầu từ bây giờ cho đến hết ngày 8 tháng 11. Cử tri tại California cần cân nhắc kỹ về sự chọn lựa của mình, đặc biệt là đối với các dự luật có quan trọng đặc biệt cho cá nhân, gia đình hay cộng đồng Việt Nam.
Cho dầu có sự chọn lựa nào, việc tham gia bầu cử đông đủ vẫn là một mục tiêu tối quan trọng cho mọi người cử tri gốc Việt trên toàn tiểu bang California. Do đó, trách nhiệm vận động mọi người chung quanh mình tham gia bầu cử đông đủ là một trách nhiệm quan trọng cho mỗi người chúng ta.
|
|