Ở thời kỳ hoàng kim của mình, cố nghệ sĩ Vũ Linh có mức cát-xê hàng nghìn đô cho mỗi lần xuất hiện.
Chiều ngày 5/3, thông tin "ông hoàng cải lương" Vũ Linh qua đời, hưởng thọ 65 tuổi khiến các nghệ sĩ và người hâm mộ không khỏi bàng hoàng, thương xót.
Lúc sinh thời, nghệ sĩ Vũ Linh khiến công chúng mê mẩn vì giọng hát ngọt ngào và làn hơi dài. Tên tuổi của ông nổi tiếng với các tác phẩm Hòn vọng phu, Giũ áo bụi đời, Lương Sơn Bá, Cô đào hát… Có thể nói, các thế hệ vào những năm thập niên 90 của thế kỷ trước đều biết đến cố nghệ sĩ.
Nghệ sĩ Vũ Linh được mệnh danh là "ông hoàng cải lương" (Ảnh: Internet)
Thời hoàng kim, nghệ sĩ Vũ Linh đã có mức cát-xê hàng nghìn đô cho mỗi lần xuất hiện. Trong một đoạn video do nghệ sĩ Hồng Phượng đăng tải, "ông hoàng cải lương" bồi hồi nhớ lại khoảng thời gian đỉnh cao sự nghiệp từng hát cho 12.000 khán giả, có người còn băng đèo lội suối đến nghe.
"Lúc tôi diễn ở Đầm Môn, đến nơi thì thấy băng rôn treo hình mình, Thoại Mỹ, Lý Hùng… nhưng không thấy ai, chỉ có mỗi bà bán đậu phộng, khoai lang ngồi bên cây đèn dầu. Lúc đó, tôi không muốn bước vô luôn, vì không thấy ai cả. Nhưng đến khi tôi vén màn thì chỉ muốn xỉu. Không thể tưởng tượng được có đến 12.000 khán giả.
Lúc đó, tôi có hỏi các em hậu đài thì họ cho hay, nếu tôi tới sớm, thì thấy cảnh tượng như một rừng đuốc vậy. Người ta từ trên đồi bên kia đi qua đây. Nhiều người muốn đi coi hát phải đem theo một bộ đồ. Chỗ diễn cách nhà họ một con suối, nước cao gần nửa người, phải lội qua. Lội qua xong mới tìm chỗ treo bộ đồ ướt lên rồi thay bộ đồ khô đi coi diễn. Đến khi đi về thì thay lại bộ đồ ướt để lội suối, xong rồi thay bộ đồ khô đi về nhà".
Một lần khác, khi đi diễn ở Bạc Liêu, nghệ sĩ Vũ Linh đã chứng kiến cảnh tượng khán giả chen nườm nượp, có người leo rào, xin vào nhà dân để kiếm đường chui qua sân khấu. Thời điểm đó, cát-xê của ông rất khủng, phải đếm tiền từ trưa đến chiều mới xong:
"Năm 1992, tôi đi hát ở một đoàn bán 12.000 đồng/vé. Người ta thu được 99 triệu thì biết bao nhiêu là khán giả. Lương tôi nhận được là 15 triệu. Thời của tôi, nhiều nghệ sĩ hát chừng hai ngày thôi, qua hôm sau là ngồi đếm tiền từ trưa đến chiều tối luôn. Thời đó không có băng đĩa, khán giả hiếm khi thấy nghệ sĩ nên họ có dịp là đi xem ngay".
Thời kì vàng son, nghệ sĩ Vũ Linh chạy show và thu âm liên tục 21 ngày, kéo dài từ sáng tới tối đêm. Vì xuất hiện nhiều và tham gia biểu diễn như cơm bữa nên quần áo để đi diễn của ông có 2 người thay nhau may vẫn không kịp.
Cứ mỗi lần có sự xuất hiện của nghệ sĩ Vũ Linh là khán giả lại vây kín sân khấu, chỉ cần ký tên cũng nhận được cả nghìn đô: "Khán giả tại đó bu đông lên xin chữ ký, tôi ký tên một cái được luôn 5 đô la (hơn 100 nghìn đồng), ký từ 8 giờ sáng đến 4 giờ chiều, vừa ký vừa bán đĩa. Tôi đứng ký không cũng được một nghìn mấy trăm đô (trên 23 triệu đồng)".
Vì chuyên trị những vai và cả những bài hát chủ đề nghèo khổ như: Kiếp nghèo, Con nhà nghèo… nên khán giả nước ngoài tưởng rằng nam nghệ sĩ nghèo thật. Ông kể lại: "Họ đến gặp cứ cầm tiền dúi vào tay, rồi mang cả đồ ăn mời tôi ngồi ăn và bảo: 'Nhìn con khổ quá, con qua đây ăn đi con'. Các cô, các bác cứ cho tiền, tới một nghìn, hai nghìn. Sáng sớm hôm đó tôi đi đổi ra được hẳn 28 nghìn đô (hơn 600 triệu đồng), trong khi đó lương của tôi được có hai nghìn đô (hơn 42 triệu đồng) là cao lắm rồi".
Nghệ sĩ Vũ Linh bén duyên với sân khấu từ nhỏ. Trên chặng đường theo đuổi nghệ thuật, cố nghệ sĩ từng đạt các giải thưởng như: Nghệ sĩ cải lương được yêu thích nhất, Diễn viên được yêu thích nhất…
VietBF @ Sưu tầm