Giá dầu tăng trong phiên giao dịch sáng 3-4 sau khi OPEC+ bất ngờ tuyên bố cắt giảm sản lượng dầu thô, động thái có nguy cơ siết chặt nguồn cung thị trường.
Giá dầu WTI tăng mạnh 8%, mức tăng trong ngày lớn nhất trong hơn một năm qua và được giao dịch ở mức 80,45 USD/thùng trong phiên sáng 3-4 (giờ địa phương).
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh bao gồm Nga (OPEC+) hôm 2-4 cam kết cắt giảm sản lượng bắt đầu từ tháng tới với hơn 1 triệu thùng/ngày, dẫn đầu là Ả Rập Saudi với mức cắt giảm 500.000 thùng/ngày. Trước đó, thị trường đã kỳ vọng OPEC+ sẽ duy trì sản lượng ổn định.
Bên cạnh việc cắt giảm từ Ả Rập Saudi và các nước Trung Đông khác, Nga cũng duy trì sản xuất ở mức giảm như cam kết. Phản ứng trước quyết định hôm 2-4, Nhà Trắng cho đó là thiếu sáng suốt, đồng thời nói rằng Mỹ sẽ làm việc với các nhà sản xuất và bên tiêu thụ, tập trung vào giá xăng dầu dành cho người Mỹ.
Các kỹ sư của Công ty dầu Saudi Aramco ở Hawiyah - Ả Rập Saudi. Ảnh: AP
Theo tờ South China Morning Post, giá dầu tăng cũng có khả năng làm căng thẳng thêm mối quan hệ với Mỹ, quốc gia đã kêu gọi Ả Rập Saudi và các đồng minh khác tăng sản lượng trong bối cảnh Washington cố hạ giá dầu và siết chặt nguồn thu lợi nhuận của Nga.
Bộ Năng lượng Ả Rập Saudi mô tả động thái này là một "biện pháp phòng ngừa" nhằm ổn định thị trường dầu mỏ. Sản lượng bị cắt giảm chiếm chưa đến 5% sản lượng trung bình 11,5 triệu thùng mỗi ngày của Ả Rập Saudi hồi năm 2022.
Các hợp đồng dầu thô tương lai cũng đã lao dốc khi các nhà giao dịch cân nhắc rủi ro ngắn hạn từ cuộc khủng hoảng ngân hàng đến các cuộc đình công ở Pháp dù cho có nhiều sự lạc quan rằng đà phục hồi của Trung Quốc có thể giúp củng cố giá dầu ở cao hơn trong thời gian còn lại của năm nay.
Các nhà phân tích của Ngân hàng đầu tư toàn cầu RBC Capital Markets LLC, cho biết: "Động thái hôm 2-4, tương tự đợt cắt giảm hồi tháng 10-2022, có thể được xem là tín hiệu rõ ràng khác cho thấy Ả Rập Saudi và các đối tác OPEC+ sẽ tìm cách rút ngắn đợt bán tháo quy mô lớn hơn nữa. Quyết định này chắc chắn sẽ không được Nhà Trắng hoan nghênh".
Giá dầu thô cao hơn có nguy cơ thúc đẩy lạm phát vốn vẫn ở mức cao, làm phức tạp thêm nhiệm vụ mà các ngân hàng trung ương, bao gồm cả Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), phải đối mặt để ngăn chặn áp lực lạm phát. Trước động thái bất ngờ của OPEC+, nhiều nhà đầu tư đã kỳ vọng rằng FED có thể kiềm chế tăng lãi suất tại cuộc họp tiếp theo vào tháng 5 tới.
Trong khi đó, ông Kristian Coates Ulrichsen, chuyên gia vùng Vịnh tại Viện Chính sách công Baker thuộc Trường ĐH Rice, cho biết Ả Rập Saudi quyết tâm duy trì giá dầu ở mức đủ cao để tài trợ cho một loạt các dự án lớn đầy tham vọng liên quan đến kế hoạch Tầm nhìn 2030 của Thái tử Mohammed bin Salman nhằm cải tổ nền kinh tế.
VietBF @ Sưu tầm