Tần Thủy Hoàng mỗi mắt có 2 con ngươi, tướng đế vương? Tần Thủy Hoàng và một vị vua khác của thời Đông Chu liệt quốc ở Trung Hoa ngoài sự nghiệp lẫy lừng có vài đặc điểm thú vị và tương tự nhau về ngoại hình.
Đông Chu liệt quốc là tiểu thuyết lịch sử nổi tiếng gồm 108 hồi được Sái Nguyên Phóng thời Thanh cải biên từ Tân liệt quốc chí của Phùng Mộng Long thời Minh mạt. Được so sánh với tác phẩm Tam quốc chí của La Quán Trung, đây là một trong những tiểu thuyết có giá trị nghiên cứu rất cao đối với ngành lịch sử Trung Quốc.
Tác phẩm Đông Chu Liệt Quốc đề cập đến thời kỳ lịch sử rất dài khoảng hơn 500 năm (770 TCN - 221 TCN) của Trung Quốc. Sử sách cũng gọi thời kỳ này là đời Đông Chu, được chia làm hai giai đoạn là Xuân Thu và Chiến Quốc, bắt đầu từ đời Tuyên Vương nhà Chu cho đến khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Hoa.
Bằng những tìm hiểu và ghi chép của mình, tác giả Phùng Mộng Long đã thể hiện những biến cố lớn của lịch sử Trung Hoa thời kỳ nhà Đông Chu, nổi bật là quan hệ giữa các quốc gia lớn nhỏ, những nhân vật lịch sử nổi tiếng của thời kỳ này. Đặc biệt không thể không nhắc đến hai nhân vật Tấn Văn Công – người được cho là có sự nghiệp phát triển nhất trong Ngũ bá và Tần Thủy Hoàng – vị Hoàng Đế kiêm tính sáu nước, thống nhất Trung Hoa. Ngoài sự nghiệp lẫy lừng, giữa hai vị vua này cũng có vài nét đặc điểm thú vị về ngoại hình tương tự nhau, được miêu tả cụ thể trong tác phẩm Đông Chu liệt quốc.
Tấn Văn Công – một trong Ngũ bá nổi tiếng thời Xuân Thu.
Tấn Văn công (697 TCN - 628 TCN), tên thật là Cơ Trùng Nhĩ, là vị vua thứ 24 của nước Tấn - chư hầu nhà Chu thời Xuân Thu trong lịch sử Trung Quốc. Ông cai trị từ năm 636 TCN đến năm 628 TCN. Tấn Văn công có một sự nghiệp hết sức đáng chú ý, lưu vong 19 năm, sau đó ông được trở về lên ngôi vua nước Tấn, tạo nên nền móng cơ sở sự hùng mạnh của nước Tấn trong cả thế kỉ về sau. Cũng từ ông, mà các tổ tiên các nước Triệu, nước Ngụy và nước Hàn dần có thế lực, kết quả là tạo nên 3 quốc gia Tam Tấn nổi tiếng thời Chiến Quốc.
Trong tác phẩm Đông Chu liệt quốc, hồi thứ 27, có đoạn miêu tả về ngoại hình của Tấn Văn Công, ông là người có tướng mạo kỳ lạ, xương sườn dính vào nhau, liền thành một khối, đặc biệt mỗi mắt lại có đến tận 2 con ngươi, là người hiền minh, sáng suốt. Cũng vì có tướng mạo kỳ lạ này, mà ông được các bề tôi cho rằng có mệnh thiên tử, hết mực trung thành cùng phò tá Tấn Văn Công suốt 19 năm lưu lạc mới được quay lại nước Tấn lên ngôi vua và làm nên một sự nghiệp lẫy lừng.
Ngoại hình được cho là của Tần Thủy Hoàng miêu tả trong tranh vẽ.
Tần Thủy Hoàng (259 TCN - 210 TCN), tên huý là Chính, họ Doanh, ông là vị vua thứ 36 của nước Tần và trở thành vị hoàng đế lập ra nhà Tần, đồng thời là hoàng đế đầu tiên thống nhất Trung Hoa sau khi tiêu diệt sáu nước chư hầu, chấm dứt thời kỳ Chiến Quốc vào năm 221 TCN.
Ông lên ngôi vua của nước Tần vào năm 13 tuổi, và trở thành hoàng đế vào năm 38 tuổi. Thay vì tiếp tục xưng vương như các vị vua thời nhà Thương và nhà Chu, để đánh dấu mốc cho việc thống nhất Trung Hoa, ông tự tạo ra một danh hiệu mới là "Hoàng Đế" và tự gọi mình là Thủy Hoàng Đế, xưng Trẫm.
Các nhà nghiên cứu lịch sử đều cho rằng các bức tranh vẽ cổ được cho là miêu tả Tần Thủy Hoàng thực chất lại là Tấn Vũ đế - Tư Mã Viêm, là hoàng đế của nhà Tấn sau này, vì vậy, ngoại hình thực sự của Tần Thủy Hoàng vẫn là một bí ẩn lớn của lịch sử và cho đến nay các nhà khảo cổ vẫn chưa thể khai quật được đến nơi đặt hài cốt của Tần Thủy Hoàng vì cấu trúc phức tạp của lăng mộ.
Tại hồi thứ 99 của Đông Chu liệt quốc cũng có đoạn miêu tả về ngoại hình của Tần Thủy Hoàng, Triệu Cơ mang thai đến 12 tháng mới sinh ra Thủy Hoàng đế, khi sinh ra có ánh sáng đỏ rực chiếu khắp nhà, trăm loài chim đến bay lượn múa. Ông có mũi to, trán rộng, mắt dài, đặc biệt mỗi mắt lại có đến hai con ngươi, trong miệng đã mọc sẵn vài cái răng, tiếng khóc rất to, người đi ngoài đường cũng phải nghe thấy, khi lớn mình cao tám thước năm tấc, sức mạnh hơn người.
Có thể thấy, trong tác phẩm Đông Chu liệt quốc, giữa Tấn Văn Công và Tần Thủy Hoàng được miêu tả lại có những nét tương đồng về ngoại hình, đặc biệt là đôi mắt, mỗi mắt đều có đến tận hai con ngươi bên trong. Với người xưa đây được xem là một quý tướng nhưng giới y học ngày nay gọi nó là căn bệnh đồng tử kép, một căn bệnh rất hiếm gặp ở con người, tuy nhiên chưa có nghiên cứu nào cho thấy căn bệnh này có ảnh hưởng đến thị giác của người hay không.
Lịch sử Trung Quốc cũng từng ghi nhận thêm một trường hợp mắc chứng bệnh này, đó là một vị quan lớn có tên Liu Ch'ung sống tại thời kỳ phong kiến Trung Quốc năm 995 triều nhà Tống, điểm tương đồng giữa những người mắc dị tật này là họ đều là những bậc quan lại lớn và vua chúa thời phong kiến.
VietBS@ sưu tập