Hồ Natron ở Tanzania có màu đỏ tươi như máu, bất kỳ sinh vật nào rớt xuống đáy hồ đều bị hóa đá một cách bí ẩn.
Không cần phải xem các bộ phim viễn tưởng, chúng ta vẫn có thể được tận mắt chứng kiến những bức tượng sống bị "phù phép" bởi loại nước chết người ở hồ tử thần Natron (Hồ Natri Oxit) đồng thời cũng là những tác phẩm nghệ thuật chân thực nhất về thiên nhiên của một nhiếp ảnh gia có tiếng.
Hồ Natron là hồ nước mặn thuộc địa phận phía Bắc của Tanzania, gần với biên giới Kenya. Hồ Natron là một trong những hồ nước nổi tiếng có vẻ đẹp kỳ ảo với màu đỏ tươi. Tuy nhiên, nơi đây còn được biết đến nhiều hơn với cái tên "hồ Tử Thần".
Lý do hồ có tên gọi chết chóc như vậy là từ hàng nghìn năm nay, bất kỳ loài vật nào sảy chân ngã xuống hồ, xác của chúng đều bị hóa đá trong một thời gian ngắn.
Nick Brandt là một nhiếp ảnh gia nổi tiếng của khu vực Đông Phi, từng được biết đến với những tác phẩm phong cảnh tự nhiên. Theo khẳng định của Nick Brandt, nước hồ ở Natron hoàn toàn không bình thường chút nào.
Trên thực tế, hồ Natron là một hồ nước tù, nước chỉ có thể bốc hơi mà không có sự trao đổi với bên ngoài. Nước hồ có một chất hóa học có tên là Natron - hỗn hợp với thành phần chính là Natri Bicacbonat (NaHCO3) và Natri Cacbonat (Na2CO3).
Chất này đi vào hồ thông qua các vật chất xói mòn từ các ngọn đồi xung quanh. Do không thể thoát đi mà cứ bốc hơi nên nước trong hồ có nồng độ kiềm rất cao.
"Thủ phạm" gây ra hiện tượng kỳ lạ trên tại hồ Natron là ngọn núi lửa một triệu năm tuổi, có tên gọi Ol Doinyo Lengai, nằm ở phía nam hồ Natron. Dung nham từ ngọn núi chảy xuống mang theo lượng muối khoáng đặc biệt.
Theo tìm hiểu, sự kết hợp hóa học của các hóa chất trong nước hồ chính là nguyên nhân đã làm hóa đá các sinh vật như chim, dơi... Xác các con vật rơi xuống hồ được bảo quản rất tốt, vốn được bọc trong những lớp xi măng bằng muối.
Khi mực nước hạ thấp, xác của những động vật này trôi dạt vào bờ. Hầu hết chúng vẫn giữ được hình dáng ban đầu và trên mình phủ một lớp muối dày.
Chỉ duy nhất loài chim hồng hạc vẫn coi hồ Natron là "địa chỉ" quen thuộc. Chúng tới để ghép đôi. Mặc dù vậy, chúng cũng không thể thoát khỏi điều kiện khắc nghiệt của hồ. Nếu không may rơi xuống, hồng hạc cũng trở thành "nạn nhân" bị bọc bằng muối.
VietBF@ Sưu tập