Tin giả (fake news) lan truyền trên không gian mạng dưới nhiều hình thức, từ dạng tin tức, quảng cáo sai sự thật đến công nghệ trí tuệ nhân tạo giả gương mặt, giọng nói.
"Cẩm nang phòng chống tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng" vào Bộ Thông tin và Truyền thông đã phát hành cuối năm 2022. Trong đó, các chuyên gia định định nghĩa về tin giả trên không gian mạng là những thông tin sai sự thật được cố ý đăng tải, lan truyền nhằm mục đích không chính đáng, gây hiểu lầm cho người đọc, người xem. Hoặc đó là những thông tin có một phần sự thật nhưng không hoàn toàn chính xác do không được kiểm chứng, xác minh hay bị phóng đại, suy diễn, làm thay đổi bản chất của sự việc, thường xuất hiện dưới dạng tin tức và được lan truyền chủ yếu trên mạng xã hội.
Cách thức tạo ra tin giả
Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI), cách thức tạo ra fake news ngày càng tinh vi như giả tiếng, giả hình, video và xuất hiện trên nhiều nền tảng mạng xã hội như Facebook, Youtube, TikTok... Nhiều thông tin dưới dạng bài viết được trình bày tương tự như một bài báo chính thống, gây nhầm lẫn cho người đọc.
Hành vi "giả hình" là sử dụng công nghệ cắt ghép tạo hình ảnh người giả y như thật để tạo ra tin tức sai sự thật. "Giả tiếng" là sử dụng công nghệ TTP (công cụ chuyển văn bản thành tiếng nói - text to speech) để tạo ra các cuộc gọi tự động với giọng robot thu sẵn. Hiện nhiều người đang dùng công nghệ này cho các chương trình trên YouTube.
"Giả video" được thực hiện bằng cách cắt ghép hình ảnh người dẫn chương trình lồng vào dẫn bản tin giả. Loại hình ảnh giả này "buộc" người xem nghĩ đó là thật vì có hình ảnh quen thuộc của người dẫn chương trình truyền hình.
Hơn hết, các sản phẩm được tạo ra bởi AI ngày càng tinh vi, đặc biệt là deepfake với nhiều hệ lụy khôn lường về vấn nạn tin giả. Nạn nhân của tin giả bằng công nghệ này trên toàn cầu có thể là người tiếp nhận thông tin sai, bị ghép mặt vào các video khiêu dâm...
Deepfake là sự kết hợp giữa deep learning (học sâu) và fake (giả). Công nghệ này dùng AI phân tích cử chỉ, nét mặt và giọng nói của một người, từ đó, tái tạo và chỉnh sửa để tạo ảnh hoặc video trông như thật. Các đối tượng này có thể tạo MC với khuôn mặt và giọng nói giống người dẫn chương trình từ các hãng thông tấn lớn, sau đó, xây dựng kịch bản giật gân, sai sự thật, nhằm câu kéo tương tác từ cộng đồng mạng. Thậm chí, nhiều video còn đóng logo của kênh tin tức, khiến người xem lầm tưởng là các tin đã xác thực hoặc độc quyền.
Tác động đến công chúng
Đầu tiên, các thông tin sai sự thật có tác động tiêu cực đến tâm lý người tiếp cận. Công chúng thường có thói quen xem nhanh tin tức được đăng tải trên mạng xã hội và chỉ dừng lại ở những tin gây sự chú ý đặc biệt. Điều này dẫn tới việc tiếp nhận thông tin thiếu tính kiểm chứng kỹ lưỡng.
Người dùng sẽ dễ bị "dụ dỗ" khi đọc những tin tức tạo ra cảm xúc mạnh và dễ tin vào nó. Khi đó, họ sẽ trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau nhưng chủ yếu sẽ dẫn đến những điều tiêu cực như ngạc nhiên, buồn phiền, hoảng sợ, phẫn nộ...
Không chỉ tâm lý, fake news cũng tác động đến hành vi của người tiếp nhận. Trên không gian mạng, với những cảm xúc mạnh về các thông tin giật gân, người dùng có thể thực hiện nhiều hành động vô tình lan truyền tin giả mạnh mẽ hơn như bày tỏ cảm xúc hoặc bình luận, gắn tên (tag) bạn bè, chia sẻ (share) trên mạng xã hội khi chưa kiểm chứng, xác định nguồn tin.
Để giảm thiểu tình trạng này, mới đây, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) và Báo VnExpress đã phát động chiến dịch Tin. Chương trình hướng tới giúp công chúng nâng cao nhận thức về tin giả, biết cách xác định, kiểm chứng, tự bảo vệ bản thân và báo cáo đến cơ quan chức năng trong trường hợp cần thiết.
Các hoạt động chính của chiến dịch gồm: Cuộc thi sáng tạo nội dung "Anti Fake News" trên nền tảng TikTok; Chương trình nâng cao văn hóa mạng Việt Nam và nhiều hoạt động, ấn phẩm truyền thông được chia sẻ rộng rãi trên mọi nền tảng mạng xã hội.
|