Sáng chủ nhật đi chợ mua đồ Tết, tôi được một bé gái bán hàng cùng mẹ nhẹ nhàng đề nghị: 'Bác ơi, cái đèn trang trí này bác cầm tay luôn nhé. Cho vào túi nilon thì sẽ xả rác, làm khổ các cô chú lao công đấy bác ạ'! Tôi khen cháu ngoan, tuổi còn nhỏ mà đã biết lo cho mọi người thì cháu bé ngậm ngùi kể: 'Bạn cùng lớp với cháu có mẹ làm nghề quét rác, toàn phải đi sớm, về muộn.
Bạn ấy rất buồn vì mọi người cứ xả rác bừa bãi làm mẹ vất vả, chả có thời gian nói chuyện với con, nhất là vào dịp Tết. Hôm cô giáo hỏi ước mơ của từng bạn là gì thì bạn ấy khóc rồi bảo: Con chỉ mong mọi người đừng xả nhiều rác! Tại sao khi mua hàng, mọi người cứ đựng túi nilon dù nhiều thứ chẳng cần phải túi”...
Chuyện của cháu bé khiến tôi quyết định viết bài này.
Thói quen sử dụng túi nilon để lại những hậu quả khôn lường với môi trường. Ảnh: Baomoitruong
Những năm qua, chúng ta đã phát động rất nhiều chương trình, đã tuyên truyền, kêu gọi rất nhiều về việc giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường, nhưng tình trạng xả nhiều rác tùy tiện vẫn phổ biến, đặc biệt là vào dịp lễ, Tết.
Hỏi chuyện một số người làm nghề vệ sinh môi trường, tôi được biết họ ngán nhất là tình trạng lạm dụng túi nilon đựng đồ. Trời khô ráo, túi nilon thải ra bay vương vãi khắp nơi. Trời mưa, túi nilon làm tắc cống thoát nước; trôi xuống mương máng, sông, biển... gây ô nhiễm nghiêm trọng kéo dài. Muốn khơi thông cống ngầm bị tắc thì lao công phải làm việc vô cùng cực nhọc.
Mong đừng xả rác tùy tiện nói chung, mong đừng lạm dụng túi nilon đựng đồ nói riêng, tưởng chỉ là chuyện nhỏ nhưng lại có giá trị vô cùng lớn với môi trường sống của chính chúng ta và nhất là đối với hàng vạn người làm nghề lao công. Đó cũng là mong ước hằng ngày của hàng triệu người thân, nhất là các em nhỏ có cha mẹ làm nghề vệ sinh môi trường.
Không dùng túi nilon nếu không thực sự cần thiết là việc ai cũng dễ dàng làm được. Mỗi chúng ta hãy thử đặt mình vào vị trí của người lao công, của những em bé mong bố mẹ quét dọn rác xong sớm để trở về nhà, nhất là trong những ngày đông giá và dịp Tết...