Cơ quan An ninh điều tra, Công an Hà Nội tiếp nhận hồ sơ vụ việc 10 học sinh Việt Nam trốn ở lại Thụy Sĩ khi tham gia khóa học trại hè ngắn hạn. Theo đó, Vào ngày 18/3, TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử bị cáo Phạm Thị Hà, Nguyễn Hữu Ninh, Lê Thanh Tuyên và Vũ Thị Lan về tội Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép.
Trước đó, vào tháng 12/2022, Cơ quan An ninh điều tra, Công an Hà Nội tiếp nhận hồ sơ vụ việc 10 học sinh Việt Nam trốn ở lại Thụy Sĩ khi tham gia khóa học trại hè ngắn hạn do Học viện Quản lý du lịch và khách sạn HTMi Thụy Sĩ (gọi tắt là trường HTMi Thụy Sĩ) hợp các với Công ty Tư vấn du học tại Việt Nam tổ chức từ ngày 24-31/7/2022.
Kết quả điều tra cho thấy, Trường HTMi tại Thụy Sĩ có Chương trình du học trại hè ngắn hạn. Hoàng Minh Thùy Dương (SN 1994, là Giám đốc tiếp thị của trường HTMi tại Việt Nam) đã gửi thư điện tử và tổ chức hội thảo giới thiệu về nội dung chi tiết của chương trình này tới 5 công ty để mời hợp tác tư vấn, tuyển sinh học sinh.
Sau khi nhận được thông tin, các công ty đã giới thiệu, quảng bá trên trang web, fanpage của công ty về đối tượng du học là học sinh, sinh viên độ tuổi từ 13-17.
Từ tháng 5-7/2022, có 5 công ty đã hoàn thành hồ sơ, thủ tục cho 11 học sinh tham gia. Sáng 24/7/2022, Hoàng Minh Thùy Dương cùng các học sinh xuất cảnh đi Thụy Sĩ để tham gia chương trình trại hè. Sau đó các học sinh lần lượt bỏ trốn, đến nay chỉ có 1 học sinh trở về Việt Nam theo đúng lịch trình.
Làm rõ?
Tài liệu điều tra xác định, khoảng tháng 5/2022, Nguyễn Hữu Ninh được một người đàn ông tên Hùng (quê Nghệ An, hiện đang sinh sống ở châu Âu, không rõ thông tin) gửi 18 bộ hồ sơ của khách (trong đó có hồ sơ Đặng Minh Ngọc và Nguyễn Minh Hoàng) có nhu cầu đi Hungary, Ba Lan lao động.
Ninh đã liên hệ nhờ Lê Thanh Tuyên nhận hồ sơ với giá thỏa thuận là 8.000 USD phí đi (bao gồm vé máy bay) và 4.000 USD phí cọc chống trốn, tổng cộng là 12.000 USD, tương đương 285 triệu đồng/khách.
Sau đó Tuyên đã liên hệ với Võ Nha Trang nhờ đưa 18 khách này sang châu Âu lao động và được Trang thông báo sẽ đưa Đặng Minh Ngọc và Nguyễn Minh Hoàng đi bằng hình thức du học hè ngắn hạn tại Thụy Sĩ.
Tuyên thông báo lại Ninh. Sau khi Hùng trao đổi và gia đình khách đồng ý, Ninh đã nhận tiền của khách, chuyển cho Tuyên để làm thủ tục. Tuyên chuyển hồ sơ và tiền nhận từ Ninh cho Vũ Thị Lan. Lan liên hệ, chuyển hồ sơ và chi phí cho Phạm Thị Hà làm thủ tục.
Cáo cho cho rằng, bị cáo Hà biết rõ mục đích của Đặng Minh Ngọc và Nguyễn Minh Hoàng tham gia khóa học hè tại Thụy Sĩ là để trốn ở lại châu Âu. Ngày 24/7/2022, Đặng Minh Ngọc, Nguyễn Minh Hoàng đến Thụy Sĩ, được khoảng 6 ngày thì Ngọc trốn sang nước Anh, Hoàng trốn sang Đức.
Quá trình điều tra, Hà khai nhận, Lan trao đổi với Hà việc các học sinh tham gia trại hè là để trốn ở lại. Hà biết vì đã trao đổi cụ thể với Trang về việc các học sinh đi du học, sau đó tìm cách trốn ở lại với người nhà tại châu Âu.
Cáo buộc cho rằng, quá trình làm thủ tục, Hà được hưởng lợi 206 triệu đồng; Lan được hưởng lợi 10 triệu đồng; Trang được hưởng lợi 35 triệu đồng. Riêng Ninh và Tuyên CQĐT xác định hai người này chưa được hưởng lợi gì.
Đối với Võ Nha Trang, hiện đã xuất cảnh đi Cộng hòa Séc từ năm 2008 đến nay chưa có thông tin nhập cảnh về Việt Nam. Do vậy, CQĐT tách hành vi của người này để làm rõ sau.
Các bị cáo đều được tại ngoại. Phiên tòa hôm nay đã phải tạm hoãn do sự vắng mặt của 3/4 bị cáo.
Xác minh tại Cục quản lý xuất nhập cảnh- Bộ Công an về thông tin xuất nhập cảnh của các học sinh Đặng Minh Ngọc, Nguyễn Minh Hoàng và 8 người khác xác định: Ngày 24/7/2022, 10 học sinh này đã xuất cảnh khỏi Việt Nam, đến nay chưa có thông tin nhập cảnh.
Ngày 28/6/2023, CQĐT có yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự gửi Cơ quan Tư pháp liên bang tại Thụy Sĩ đề nghị cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến việc cấp thị thực cho các học sinh trên, đến nay chưa có kết quả trả lời.
VKS cho rằng, việc chưa có kết quả trả lời tương trợ tư pháp không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án.