Ngày 5/4, Hạ nghị sĩ Nancy Pelosi, cựu Chủ tịch Hạ viện và là đồng minh chủ chốt của Tổng thống Joe Biden, vừa ký vào lá thư cùng với hàng chục nghị sĩ đảng Dân chủ trong Quốc hội gửi tới Tổng thống và Ngoại trưởng Antony Blinken để thúc giục dừng chuyển vũ khí cho Israel.
Chiến dịch tấn công quân sự của Israel vào Dải Gaza để đáp trả Hamas vấp phải chỉ trích quốc tế ngày càng gay gắt, khi cơ quan y tế địa phương báo cáo hơn 33.000 người đã chết trong xung đột và những người dân ở vùng đất ven biển chật hẹp đang phải chịu đựng nạn đói lan rộng.
Hành động lần này của bà Pelosi, một thành viên kỳ cựu trong đảng Dân chủ, cho thấy quan điểm phản đối chuyển vũ khí cho Israel đang trở thành xu hướng chủ đạo trong đảng.
Bức thư ngày 5/4 kêu gọi chính quyền của Tổng thống Biden tiến hành điều tra riêng về cuộc không kích của Israel khiến 7 nhân viên của nhóm viện trợ của tổ chức World Central Kitchen thiệt mạng hôm 1/4.
Bức thư viết: “Trước cuộc tấn công gần đây nhằm vào các nhân viên cứu trợ và cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày càng tồi tệ, chúng tôi tin rằng phê duyệt việc chuyển giao vũ khí là điều vô lý”. Bức thư có chữ ký của bà Pelosi và 36 thành viên đảng Dân chủ khác, trong đó có các Hạ nghị sĩ Barbara Lee, Rashida Tlaib và Alexandria Ocasio-Cortez.
Ngày 5/4, quân đội Israel cho biết đã sa thải 2 sĩ quan và chính thức khiển trách các chỉ huy cấp cao sau khi cuộc điều tra về vụ không kích phát hiện ra những sai sót nghiêm trọng và vi phạm quy trình.
Trước đó, ông Biden có cuộc điện đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, để nói rằng Israel cần phải làm nhiều hơn để bảo vệ dân thường, nếu không Mỹ sẽ thay đổi chính sách của mình.
Cũng trong ngày 5/4, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres kêu gọi điều tra độc lập về cái chết của tất cả 196 nhân viên cứu trợ thiệt mạng ở Dải Gaza từ khi xung đột nổ ra ngày 7/10/2023. Ông cũng bày tỏ hy vọng việc tiếp cận viện trợ được tạo điều kiện hơn nữa để có thể triển khai nhanh chóng và hiệu quả.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc có cuộc họp vào ngày 5/4 để thảo luận về nạn đói ở Dải Gaza và các cuộc tấn công nhằm vào nhân viên cứu trợ.
Đại sứ Slovenia tại Liên Hợp Quốc Samuel Zbogar nói tại cuộc họp: “Nếu chúng ta đang họp ở phía bắc Gaza, tất cả 15 người chúng ta sẽ phải bỏ bữa. 10 người trong chúng tôi sẽ nhịn ăn cả ngày lẫn đêm. Một nửa trong số chúng ta sẽ rất cần viện trợ nhân đạo".
Phát biểu tại cuộc họp, quan chức viện trợ cấp cao của Liên Hợp Quốc Ramesh Rajasingham kêu gọi tất cả các nước giúp ngăn chặn hành vi vi phạm luật nhân đạo, "thông qua áp lực ngoại giao và kinh tế, điều chỉnh việc xuất khẩu vũ khí tuân thủ các quy tắc chiến tranh và hợp tác chống lại sự miễn trừ".
Đại sứ Anh tại Liên Hợp Quốc Barbara Woodward phát biểu rằng không bao giờ được tấn công vào nhân viên cứu trợ: "Israel phải làm nhiều hơn nữa để bảo vệ họ và đảm bảo an toàn cho họ để họ có thể cung cấp hỗ trợ nhân đạo cứu người”.
Israel vừa chấp thuận mở lại cửa khẩu Erez ở phía bắc và cho sử dụng tạm thời cảng Ashdod ở miền nam Israel sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden yêu cầu phải có các bước cụ thể nhằm giảm bớt cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Dải Gaza.
VietBF@ sưu tập
|