Vào năm 2014, khi chính quyền thành phố Tuân Nghĩa của tỉnh Quý Châu, Trung Quốc đang chuẩn bị biến hồ Dương Gia thành một hồ chứa lớn, trong quá trình khảo sát, họ thực sự đã phát hiện ra một ngôi mộ nghìn năm tuổi, điều bí ẩn là những đồ tùy táng, thậm chí là cả quan tài cũng được làm bằng vàng ròng.
Thành phố Tuân Nghĩa, tỉnh Quý Châu của Trung Quốc nằm trong khu vực khí hậu gió mùa cận nhiệt đới ẩm. Nằm trên khu vực dốc nơi cao nguyên Vân Nam-Quý Châu chuyển tiếp đến các ngọn đồi Hồ Nam và lưu vực Tứ Xuyên. Nơi đây có lượng mưa dồi dào quanh năm và cũng là khu vực dễ bị ảnh hưởng bởi lũ lụt.
Bởi vậy chính quyền thành phố đã quyết định cải tạo hồ Dương Gia ở thị trấn Tân Phố thành một hồ chứa lớn hơn nhằm tăng lượng nước dự trữ nhằm giải quyết vấn đề thiên tai lũ lụt.
Vì Tuân Nghĩa là một trong những khu vực sinh sống của các dân tộc thiểu số từ xa xưa nên chính phủ đã quy định rõ ràng rằng trước khi bắt đầu bất kỳ dự án nào, phải tiến hành một cuộc khảo sát khảo cổ để ngăn chặn việc phá hủy các di tích văn hóa chưa được khám phá.
Việc tái thiết hồ Dương Gia cũng không ngoại lệ. Một nhóm các nhà khảo cổ từ Viện Khảo cổ học tỉnh Quý Châu đã được mời đến để tiến hành khảo sát, khi họ đào xuống đáy hồ Dương Gia, nhóm khảo cổ nhận thấy chất lượng đất ở đây có sự khác biệt và nghĩ rằng chắc chắn phải có điều gì đó đặc biệt ở đây.
Nhưng khi một hố đất rộng 8 mét vuông được đào ra, nhóm khảo cổ cảm thấy nghi ngờ với ý tưởng của mình vì thứ họ tìm thấy chỉ là một hố chôn bằng đất và gỗ thông thường. Nói chung, phương pháp chôn cất này thường được người dân bình thường sử dụng và ít có giá trị khảo cổ.
Tuy nhiên, dù có giá trị đến đâu thì khi phát hiện ra những ngôi mộ thì cũng không thể cứ thế mà bỏ đi nên đội khảo cổ đã tiến hành công tác cứu hộ, khai quật và dọn dẹp. Vào ngày thứ ba của cuộc khai quật, một người khai quật đã phát hiện ra một thỏi vàng hình vuông. Biết rằng đây là một chuyện bất thường, anh ta đã lập tức báo cáo cho đội khảo cổ. Khi các chuyên gia khảo cổ nhìn thấy thỏi vàng thì phát hiện ra rằng hóa ra đây là một "phụ kiện" được sử dụng trên đinh quan tài.
Phát hiện này khiến các chuyên gia khảo cổ rất phấn khích, bởi vì hầu hết quan tài đều sử dụng đinh đồng, thậm chí ngay cả những hoàng tử, tướng lĩnh cao quý nhất cũng chỉ sử dụng đinh bạc. Do đó, nhóm khảo cổ liền đặt ra nghi vấn: chủ nhân của lăng mộ là ai?
Nếu người có địa vị cao quý thì mộ thường sẽ là mộ buồng đá. Tường đá sẽ được chạm khắc hoa văn tinh xảo, mô tả cuộc đời của chủ mộ, hoặc khắc hình ảnh chủ mộ, cảnh sinh hoạt, tượng chiến binh và nhiều chủ đề sẽ khác nhau tùy theo danh tính của chủ nhân ngôi mộ, nhưng tại sao ngôi mộ này lại tồn tại như một hố đất? Với những câu hỏi này trong đầu, nhóm khảo cổ tiếp tục công việc thăm dò và khai quật.
Khi công việc khai quật tiến triển, cấu trúc của toàn bộ ngôi mộ dần dần lộ ra. Hóa ra đó là một ngôi mộ hai tầng, tầng trên rộng hàng chục mét vuông, tầng dưới rộng hơn một trăm mét vuông, có hai gian cạnh nhau, bên trái là mộ chủ mộ, bên phải là mộ vợ chủ mộ.
Những đồ vật tùy táng sang trọng, xa hoa trong lăng mộ đều phản ánh thân phận và địa vị cao quý của chủ nhân ngôi mộ. Ngoài những chiếc đinh bằng vàng bạc tinh xảo còn có hơn 80 món đồ khác: chậu và chai rượu, cốc, chân nến, chìa khóa, đồ trang sức tinh xảo, các vật dụng cần thiết hàng ngày đều được làm bằng vàng ròng và bạc, cũng như kiếm ngọc, v.v.
Đáng nói nhất là bộ chén vàng và đĩa vàng có đầu Chi (một con rồng không sừng). Khi được khai quật, những chiếc chén vàng được đặt úp ngược trên những chiếc đĩa vàng, chén vàng cao 1,9 cm, đường kính 7,85 cm nặng 230 gram.
Chiếc đĩa vàng có đường kính 18 cm, nặng 180 gram. Tâm của chiếc đĩa là những con sóng đang dâng trào trên biển. Những họa tiết này xuất hiện sau thời nhà Tống, mang ý nghĩa đẹp đẽ và hy vọng đứa trẻ sẽ thành rồng. Từ đó có thể suy đoán sơ bộ chủ nhân của ngôi mộ có thể là người thời nhà Tống. Bộ chén và đĩa vàng này hiện được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Quý Châu và là một báu vật vô giá.
Ngoài ra còn có những hình chạm khắc tinh xảo về voi trên bình bạc, và những hình chạm khắc tinh xảo trên con cá song mạ vàng cũng thể hiện nét đặc trưng của thời Nam Tống. Điều này càng có thể khẳng định và thu hẹp danh tính chủ nhân ngôi mộ là một người Nam Tống.
Một món bảo vật cực kỳ quý hiếm khác cũng được phát hiện trong cuộc khai quật cổ mộ này - một thanh kiếm có cán vàng và bao kiếm hình chiếc nhẫn được làm bằng vàng, có hoa văn vô cùng đẹp mắt.
Ngoài ra nhóm khảo cổ cũng khai quật một chân nến bằng bạc tuyệt đẹp có khắc dòng chữ "Ất Mão Điền Đô Thống Ti Công Dụng" ở dưới chân, cung cấp manh mối để giải mã danh tính của chủ sở hữu ngôi mộ.
Sau khi các chuyên gia khảo cổ học ngày đêm tìm kiếm các tài liệu liên quan và đến vị trí núi Long Nham cách ngôi mộ cổ chưa đầy mười km và khảo sát các công trình cổ ở đó, thông tin thu được cuối cùng đã xác nhận rằng chủ nhân của ngôi mộ cổ này là của vợ chồng Dương Giới - thủ lĩnh thứ 14 của Bá Châu vào thời Nam Tống.
Trở lại thời kỳ cuối Nam Tống, khi kỵ binh Mông Cổ chuẩn bị đặt chân vào Nam Tống, Dương Giới đã xin lệnh đưa quân đi đánh quân Mông Cổ. Vì là người hiếu học, từ nhỏ đã quen thuộc sách quân sự nên ông đã liên tục tấn công quân Mông Cổ bằng những nước cờ bất ngờ.
Sau này, ông dẫn hàng nghìn quân đóng trại ở bờ nam sông Dương Tử, Tứ Xuyên để hỗ trợ Tứ Xuyên, khiến quân Mông Cổ không dám đánh tới.
Vào thời của mình Dương Giới được coi là là kẻ thù mạnh của quân đội Mông Cổ, có thể nói chỉ ông còn sống ngày nào thì quân đội Mông Cổ sẽ không có hy vọng vượt qua sông. Ông đã có những đóng góp to lớn cho triều đình trong suốt cuộc đời của mình và được truy tặng là "Uy Linh Anh Liệt Hầu" sau khi qua đời. Con trai của ông là Dương Văn kế thừa di sản của cha mình và tiếp tục chiến đấu cho triều đình chống lại cuộc xâm lược phía nam của quân đội Mông Cổ.
Vì vậy, thật hợp lý khi Dương Giới, với tư cách là một danh tướng có công lao xuất chúng và thân phận "Uy Linh Anh Liệt Hầu", lại được chôn cất trang trọng và hào phóng như vậy. Theo đó, bí ẩn về những thanh kiếm và vũ khí khác trong lăng mộ cũng đã được giải đáp.
Về phần tại sao lại là mộ có hố đất và gỗ bên ngoài? Có thể được giải thích là khi đó quân Mông Cổ sau khi biết tin Dương Giới chết đã ngay lập tức tiến công. Theo đó việc ngăn chặn quân địch và chiến đấu là vô cùng gấp rút và cần một lượng đá lớn để xây dựng chiến hào phòng thủ nên đá trở nên rất khan hiếm. Ngoài việc yêu cầu một lượng lớn vật liệu bằng đá, việc xây dựng lăng mộ đá còn mất nhiều thời gian nên lúc này chỉ còn cách xây dựng hố đất và gỗ bên ngoài.
Ngoài ra, cách sắp xếp cổ mộ hai tầng không chỉ có thể ngăn cản trộm mộ mà còn ngăn cản quân đội Mông Cổ thực hiện những hành động cực đoan nhằm phá hủy lăng mộ để trả thù. Kể từ đó, mọi bí ẩn về lăng mộ của vợ chồng Dương Giới đã được giải đáp.
VietBF@ Sưu tập