Các nước EU đồng ý khởi động đàm phán kết nạp Ukraine và Moldova, bước tiến mới trong hành trình xin gia nhập của hai nước Đông Âu.
Chính phủ Bỉ, đang giữ vai trò nước chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU), ngày 21/6 thông báo bộ trưởng các nước thành viên sẽ bắt đầu đàm phán với Ukraine về lộ trình gia nhập tổ chức trong hội nghị dự kiến diễn ra tại Luxembourg vào ngày 25/6. Đàm phán giữa các bộ trưởng EU với Moldova diễn ra sau đó, cũng tại hội nghị.
Tổng thống Volodymyr Zelensky ca ngợi chuyển biến này là "bước tiến lịch sử" đối với người dân Ukraine trong hành trình hội nhập châu Âu.
"Hàng triệu người Ukraine, chính xác là nhiều thế hệ người dân Ukraine, đang hiện thực hóa giấc mơ châu Âu. Ukraine sẽ trở lại châu Âu, nơi chúng tôi thật sự thuộc về suốt nhiều thế kỷ, và sẽ trở thành thành viên toàn diện của cộng đồng châu Âu", ông Zelensky viết trên mạng xã hội X.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu tại Cung điện Mondoa, Madrid, Tây Ban Nha ngày 27/5. Ảnh: AFP
Ukraine nộp đơn xin gia nhập EU vài ngày sau khi chiến sự với Nga nổ ra cuối tháng 2/2022. Gần 4 tháng sau, EU cấp tư cách ứng viên cho Ukraine, song động thái chủ yếu mang tính biểu tượng do lộ trình đàm phán được dự báo mất nhiều năm và Kiev cần đáp ứng nhiều điều kiện về cải cách.
Đến tháng 11/2023, Ủy ban châu Âu khuyến nghị EU nên khởi động đàm phán kết nạp Ukraine trong báo cáo đánh giá tiến độ cải cách ở ba nước Ukraine, Moldova và Gruzia. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen khi đó cho biết Ukraine vẫn cần hoàn thành một số cải cách cuối cùng trước khi ấn định ngày bắt đầu đàm phán.
Đến hội nghị thượng đỉnh EU vào tháng 12/2023, các lãnh đạo châu Âu nhất trí khối cần khởi động đàm phán kết nạp Ukraine và Moldova. Đầu tháng 6 cùng năm, Ủy ban châu Âu thông báo đến các thành viên rằng hai nước Đông Âu đã thỏa mãn mọi tiêu chí để bắt đầu đàm phán kết nạp.
Tuy nhiên, ngay cả khi các cuộc đàm phán bắt đầu, quá trình Ukraine gia nhập EU vẫn có thể kéo dài nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ. Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu các cuộc đàm phán gia nhập vào năm 2005, nhưng chúng hiện đi vào ngõ cụt. Albania, Montenegro, Bắc Macedonia và Serbia cũng đang trong tình thế tương tự.
EU và Ukraine sẽ cần đạt thỏa thuận đầu tiên về khung quy trình đàm phán. Giới quan sát lo ngại nỗ lực kết nạp Ukraine sẽ vấp phải cản trở từ một số nước thành viên mà nổi bật là Hungary, nước sẽ kế nhiệm ghế chủ tịch luân phiên EU vào tháng 7.
Giới chức Hungary đã nhiều lần bình luận không muốn tổ chức đối thoại kết nạp Ukraine trong 6 tháng họ làm chủ tịch luân phiên EU. Thủ tướng Hungary Viktor Orban liên tục nêu lo ngại hỗ trợ từ châu Âu cho Ukraine, đặc biệt trong lĩnh vực quân sự, có thể khiến xung đột kéo dài và mở rộng.
VietBF@sưu tập