Bị rắn độc cắn là một trong những tai nạn thương tích phổ biến ở Việt Nam. Khi bị rắn độc cắn, không nên sử dụng các loại thuốc dân gian, cổ truyền, chữa bằng mẹo; không chích, rạch, châm, chọc tại vùng vết cắn hay chườm đá...
Trung tâm Y tế huyện Thanh Thủy (Phú Thọ) vừa tiếp nhận người bệnh nam vào viện khi bị rắn hổ mang cắn giờ thứ 1.
Gia đình bệnh nhân cho biết trước khi vào viện 30 phút người bệnh bị rắn hổ mang cắn (gia đình có chụp lại được ảnh rắn), đau nhiều vùng ngón 1, bàn tay phải. Gia đình đã nhanh chóng đưa người bệnh tới cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Thanh Thủy.
Ngay khi tiếp nhận trường hợp người bệnh, cùng hình ảnh chia sẻ của gia đình, các bác sĩ đã xác định người bệnh bị rắn hổ mang cắn giờ thứ 1.
Ngay lập tức các y bác sĩ khoa cấp cứu, hồi sức tích cực và chống độc đã nhanh chóng thực hiện sơ cứu ban đầu ổn định và liên hệ chuyển người bệnh đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ để tiếp tục theo dõi và điều trị.
Giai đoạn sơ cứu rất quan trọng
Bác sĩ Phùng Thị Thúy Nga - phụ trách khoa cấp cứu, hồi sức tích cực và chống độc - cho biết cứ vào mùa mưa số người nhập viện cấp cứu do bị rắn độc cắn lại gia tăng.
Việc sơ cứu khi bị rắn độc cắn rất quan trọng, nếu sơ cứu không đúng cách, nạn nhân có nguy cơ bị hoại tử chi, nhiễm trùng máu, thậm chí là tử vong.
Theo bác sĩ Nga, hầu hết các vết rắn cắn xảy ra trên các chi, sau khi bị rắn độc cắn, người bệnh sẽ có các biểu hiện như: đau rát nghiêm trọng tại vết thương trong vòng 15 - 30 phút; vết cắn sau đó có thể sưng nề và bầm tím, đôi khi lan rộng lên khắp cánh tay hoặc chân và gây hoại tử da kèm theo một số dấu hiệu khác như buồn nôn, khó thở, cảm giác cơ thể yếu dần đi, thấy có mùi vị kỳ lạ trong miệng, nói khó, mờ mắt, khó thở, liệt toàn thân, loạn nhịp tim, có thể tử vong do liệt các cơ hô hấp.
Sai lầm phổ biến
Bác sĩ khuyến cáo không băng ép khi rắn lục cắn vì có thể làm vết thương nặng thêm. Tuyệt đối không nên mất thời gian đi tìm lá thuốc hay sử dụng các loại thuốc dân gian, cổ truyền, chữa bằng mẹo.
Không đợi ở nhà và chờ khi có các biểu hiện nhiễm độc rõ mới đến cơ sở y tế vì sẽ muộn và mất cơ hội cứu chữa.
Không làm các biện pháp khác như: chích, rạch, châm, chọc tại vùng vết cắn hay chườm đá, gây điện giật…
Không ga rô bởi ga rô là biện pháp làm tắc nghẽn hoàn toàn động mạch. Nó gây đau và rất nguy hiểm, không thể duy trì lâu (không quá 40 phút), chân tay rất dễ bị thiếu máu nguy hiểm.
Nhiều trường hợp sau đó phải cắt cụt chân tay vì ga rô. Ngoài ra khi đến bệnh viện, bác sĩ tháo băng ga rô ra thì chất độc sẽ cùng lúc ùa về tim khiến bệnh nhân bị sốc, đe dọa tính mạng.
Không nên cố gắng bắt hoặc giết rắn, thay vào đó nên ghi nhớ màu sắc, hình dạng và phương thức tấn công của con rắn để mô tả với bác sĩ (chụp ảnh nếu có thể). Nếu con rắn đã chết hoặc bắt được phải đem cùng với người bệnh đến bệnh viện để nhận dạng.
Sơ cứu đúng cách thế nào?
Bác sĩ khuyến cáo các bước sơ cứu nên làm là động viên người bệnh; không để người bệnh tự đi lại vì có thể làm cho nọc độc phát tán nhanh hơn vào cơ thể; bất động chân/tay bị cắn (có thể bằng nẹp), để bộ phận có vết cắn ở vị trí thấp hơn vị trí của tim; cởi các đồ trang sức (nhẫn, vòng) ở vùng bị cắn.
Nếu rắn hổ cắn có thể gây liệt (hổ mang chúa, cạp nong, cạp nia, rắn biển, rắn hổ mang thường) thì áp dụng kỹ thuật băng ép bất động và nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất bằng phương tiện vận chuyển, nên gọi điện báo trước để được tư vấn.
Có thể dùng các băng chun giãn, băng vải hoặc tự tạo từ khăn, quần áo. Băng tương đối chặt nhưng không quá mức (còn sờ thấy động mạch đập).
Bắt đầu băng từ ngón chân, tay đến hết toàn bộ chân, tay bị cắn. Dùng nẹp cứng (nẹp, miếng gỗ, que, miếng bìa cứng…) cố định chân, tay bị cắn.
|
|