Hiệp định thương mại tự do giữa Trung Quốc và Thuỵ Sĩ không liên quan quá nhiều đến lượng vàng nhập khẩu lớn của cường quốc châu Á này. Tuy nhiên, những động thái của Trung Quốc vẫn có thể tác động đến các phiên bản tiếp theo của thoả thuận.
Trong một bài phân tích gần đây trên Swiss Info, cổng thông tin tiếng Anh của Swiss Broadcasting Corporation, 2 nhà phân tích Balz Rigendinger và Pauline Turuban cho biết việc Trung Quốc muốn gia tăng tiếng nói đã gây chú ý cho các chính trị gia Thuỵ Sĩ.
Họ viết: “Tham vọng toàn cầu của Trung Quốc đang được Quốc hội Thuỵ Sĩ thảo luận và theo dõi sát sao hơn so với năm 2013, khi hiệp định thương mại tự do giữa 2 nước được ký kết. Vào tháng 9, Hạ viện nước này quyết định các doanh nghiệp lớn trong nước không thể dễ dàng được các nhà đầu tư nước ngoài tiếp quản.”
Dù đảng Dân chủ Xã hội và đảng Xanh ở Thuỵ Sĩ lo ngại về mối quan hệ của nước này với Trung Quốc đang quá chặt chẽ, thì cộng đồng các doanh nghiệp lại muốn tăng cường hợp tác sâu sắc hơn đối với các mối quan hệ đối tác. Trong khi, EU, Mỹ và các quốc gia phương Tây khác lại đang có xu hướng tách rời Trung Quốc thì Thuỵ Sĩ lại đang đi ngược lại.
Một số chuyên gia nhận định thoả thuận thương mại tự do của Thuỵ Sĩ là “một cuộc thử nghiệm” cho các thoả thuận trong tương lai giữa Trung Quốc và các thành viên EU.
“Thông qua thoả thuận này, Trung Quốc đã tìm hiểu về cách thức hoạt động của các thoả thuận thuận thương mại tự do ở châu Âu”, chuyên gia về châu Á tại Trung tâm Năng lực Trung Quốc - Thuỵ Sĩ thuộc Đại học St Gallen, Patrick Ziltener, người đã đánh giá thoả thuận thương mại Trung Quốc - Thuỵ Sĩ, cho biết.
Ziltener nói rằng, thoả thuận này cũng giúp Trung Quốc củng cố uy tín trên trường thương mại vì quan hệ đối tác với Thuỵ Sĩ được quốc tế đánh giá cao sẽ chứng minh rằng họ là một đối tác đáng tin cậy.
Dù các thoả thuận thương mại tự do thường được đánh giá bằng khối lượng thương mại có tăng hay không, song các chuyên gia cho biết giá trị thực sự lại nằm ở mảng khác. Rigendinger và Turuban cho hay: “Thương mại tự do không hẳn tạo động lực cho khối lượng thương mại mà là lợi nhuận lớn hơn, nhờ hàng rào thuế quan được dỡ bỏ. Năm 2022, kinh tế Thuỵ Sĩ đã tiết kiệm được 187 triệu CHF thuế hải quan chưa nộp nhờ thoả thuận này.”
Họ cho biết, về mặt khối lượng, xuất khẩu của Thuỵ Sĩ sang Trung Quốc chủ yếu là vàng, đã tăng gấp đôi trong 10 năm qua và chiếm 1 nửa tổng giá trị hàng hoá.
Lý do là Trung Quốc có nhu cầu vàng rất lớn, PBOC là bên mua vàng lớn nhất vào năm 2023 nhằm nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào đồng USD. Điều đáng chú ý là, trong khi các chính sách đối ngoại của Thuỵ Sĩ nhắm đến chủ nghĩa đa phương, thì xuất khẩu vàng của Thuỵ Sĩ lại giúp Trung Quốc phi đô la hoá khi quốc gia này sở hữu 4/5 nhà máy lọc vàng lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, thoả thuận thương mại tự do giữa 2 nước này lại không liên quan gì đến vàng và Trung Quốc không áp thuế nhập khẩu vàng dù nguồn gốc là ở đâu, theo người phát ngôn của Ban thư ký Nhà nước Thuỵ Sĩ về các vấn đề kinh tế (SECO), Fabian Maienfisch.
2 nhà nghiên cứu chỉ ra, kim ngạch xuất khẩu của Thuỵ Sĩ sang Trung Quốc (không bao gồm vàng) đã tăng 74% lên 15,4 tỷ CHF trong 10 năm qua. Các ngành dược phẩm, đồng hồ và máy móc xuất khẩu nhiều sản phẩm sang Trung Quốc. Bởi vậy, dù vàng là loại hàng hoá được xuất khẩu nhiều nhất, thì tác động của các hoạt động thương mại được miễn thuế lại lan toả đến cả các ngành khác.
Ziltener dự đoán, Trung Quốc sẽ muốn hướng đến cả hoạt động xuất khẩu lao động vào lần gia hạn tiếp theo của thoả thuận, cụ thể là giấy phép lao động của các chuyên gia Trung Quốc tại Thuỵ Sĩ. Theo đó, nhờ mối quan hệ với Thuỵ Sĩ, Trung Quốc sẽ gia tăng uy tín đối với phương Tây khi quốc gia này là “trung tâm” của châu Âu.
Việc Trung Quốc mua vàng từ Thuỵ Sĩ cũng giúp nước này có vị thế đàm phán đặc biệt mạnh, vì gã khổng lồ châu Á vẫn đang kiểm soát chặt chẽ thị trường vàng trong nước.
Dữ liệu hải quan mới nhất từ Thụy Sĩ cho thấy Trung Quốc không nhập khẩu vàng từ trung tâm tinh luyện và trung chuyển vàng lớn nhất thế giới vào tháng trước, lần đầu tiên kể từ tháng 1/2021. Khả năng “bật - tắt” nguồn vàng của Trung Quốc, ngay cả trong môi trường "thương mại tự do", có thể đóng vai trò là động lực mạnh mẽ để Thụy Sĩ chấp nhận nhượng bộ các yêu cầu của Trung Quốc trong các lĩnh vực khác.
VietBF@ Sưu tập