Võ sĩ gốc Việt Cung Lê vạch trần vụ bán UFC trị giá 4,2 tỷ USD. Anh đã chia sẻ thẳng thắn với một kênh truyền hình về thương vụ bán UFC trị giá 4,2 tỷ USD và những bất cập của giải đấu này. Sự việc xảy ra như thế nào?
Thương vụ bán UFC cho liên kết đầu tư WME-IMG với giá 4,2 tỷ USD là sự kiện lớn nhất của làng MMA năm 2016. Zuffa – chủ cũ của UFC, không thể biến một giải đấu từ chỗ suýt phá sản thành thương hiệu toàn cầu, không thể đạt lợi nhuận 200.000% sau 15 năm nếu đằng sau không có một câu chuyện dài về mồ hôi, máu, cống hiến và hy sinh của các võ sĩ.
Thời gian sau đó, võ sĩ Cung Lê, cựu vô địch hạng trung, một trong những người tích cực kêu gọi các võ sĩ đoàn kết, đã có buổi chia sẻ với kênh truyền hình FightHub về thương vụ mua bán UFC và những bất cập của giải đấu này.
Mối quan hệ giữa nhà tổ chức với võ sĩ không hề thân thiện. Cung Lê chia sẻ: “Các bên đã ngồi lại để bảo vệ quyền lợi của võ sĩ. Chúng ta không thể mãi đứng nhìn nhà tổ chức bóc lột mình. UFC được bán với giá 4 tỷ USD, à không, 4,2 tỷ USD, tôi xin lỗi. Công sức của võ sĩ trong số tiền ấy là rất lớn, nhưng Dana White (chủ tịch của UFC) kiếm được nhiều hơn tất cả thu nhập của võ sĩ UFC trong lịch sử cộng lại. Điều đó tốt cho ông ta thôi, nhưng nó hoàn toàn sai”.
Chủ tịch UFC Dana White kiếm được khoảng 360 triệu USD từ 9% cổ phần mà ông này sở hữu trong công ty. Khi UFC sang tay chủ mới, Dana White tiếp tục được ký hợp đồng làm việc trong 5 năm vẫn với chức vụ Chủ tịch và được hưởng khoản thu nhập tương đương 9% lợi nhuận ròng của công ty mỗi năm. Thực tế ấy làm Cung Lê thêm phần bực bội về điều khoản giải phóng hợp đồng của anh.
Võ sĩ Cung Lê. Ảnh: MMA Fighting.
“Tôi tập luyện, thi đấu và còn tham gia quản lý, xây dựng chương trình nhưng chỉ được trả lương rất bèo bọt. Đơn cử như chương trình Ultimate Fighter China ở Trung Quốc vào năm 2014, tôi đảm nhận vai trò không khác gì Dana White, chứ không chỉ đơn thuần là HLV trưởng. Chính Dana thừa nhận trên kênh ESPN rằng chương trình nếu không có tôi thì có lẽ chẳng thành công. Nhưng cuối cùng tôi cũng chỉ được trả vài đồng bạc cắc".
Cung Lê khẳng định những nỗ lực và ảnh hưởng của anh cùng quá trình hoạt động hiệu quả của đội ngũ UFC tại Trung Quốc đã thuyết phục các nhà đầu tư ở nước này, khiến họ dám ra giá tới 4 tỷ USD để hỏi mua UFC. Điều đó khiến William Morris thậm chí còn phải trả cái giá cao hơn là 4,2 tỷ USD mới có thể trở thành chủ sở hữu mới của công ty”.
“Nếu tôi không xuất hiện trong bức tranh chung đó, nếu tất cả chương trình của UFC tại Trung Quốc không diễn ra thành công đến thế, liệu Dana White và nhà Fertitta có được thành tựu như bây giờ không?”, Cung Lê đặt câu hỏi.
Cung Lê ở trận đấu cuối cùng trong sự nghiệp (UFC Fight Night 48 ngày 23/8/2014)
Cung Lê sinh ngày 25/5/1972, là cựu võ sĩ MMA và kickboxing người Mỹ gốc Việt với rất nhiều thành tích nổi bật trong sự nghiệp thi đấu và tên tuổi trong nghiệp diễn xuất. Anh từng dính vào một vụ bê bối về chất cấm.
Ngày 30/9/2014, UFC thông báo trên trang chủ rằng mẫu thử của Cung Lê phản ứng dương tính với HGH (chất tăng trưởng hormone). Cung Lê bị phát hiện sử dụng chất tăng trưởng hormone trước trận đấu với Michael Bisping tại Macau, Trung Quốc vào ngày 23/8.
UFC quyết định cấm Cung Lê thi đấu 1 năm. Tuy nhiên, vào ngày 21/10/2014, lệnh cấm được nhà tổ chức gỡ bỏ, vì lý do "một số lỗ hổng trong quá trình xét nghiệm của UFC được chỉ ra khiến tính chính xác của cuộc xét nghiệm bị đặt dấu hỏi" và "chưa đủ bằng chứng để buộc tội Cung Lê sử dụng chất cấm".
Cảm thấy quá chán nản, Cung Lê quyết định thanh lý hợp đồng nhưng không được UFC chấp thuận. Võ sĩ sinh năm 1972 sau đó phải nộp đơn kiện UFC và tuyên bố giải nghệ từ tháng một năm 2015.
VietBF@ sưu tầm.