Lộ diện đối thủ đáng gườm, “đe dọa” túi tiền của Chủ tịch FPT Trương Gia Bình. Mới đây các chuyên gia đến từ VNDirect chỉ ra 4 khó khăn mà FPT của Chủ tịch Trương Gia Bình phải đối mặt. Rất có thể điều này dẫn tới rủi ro giảm giá cổ phiếu, từ đó tác động tới “túi tiền” của Chủ tịch Trương Gia Bình.
Công ty Chứng khoán VNDirect mới cập nhật triển vọng về CTCP FPT (Mã: FPT) của Chủ tịch Trương Gia Bình trong năm 2021 và cho rằng chuyển đổi số tiếp tục là động lực tăng trưởng của FPT khi mảng dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) trong nước lấy lại đà tăng trưởng.
Doanh thu công nghệ ký mới của FPT 4T21 so với 4T20 của FPT
Theo đó, VNDirect dự báo doanh thu mảng công nghệ năm nay sẽ tăng 23% so với năm ngoái, đạt 20.677 tỷ đồng và vượt 1 tỷ USD (tương đương xấp xỉ 23.000 tỷ đồng) trong năm 2022.
Trong đó, doanh thu dịch vụ CNTT trong nước của FPT kỳ vọng sẽ lấy lại đà tăng trưởng hai chữ số và có thể tăng 10%.
Được biết, trong 4 tháng đầu năm 2021, dịch vụ CNTT trong nước đã mang về cho FPT 1.491 tỷ đồng trong 4 tháng đầu năm 2021, tăng 45,2% so với cùng kỳ.
Doanh thu từ mảng dịch vụ CNTT nước ngoài tăng 9,6% so với cùng kỳ đạt 3.169 tỷ đồng, chiếm 76,3% doanh thu mảng công nghệ.
Trong đó, thị trường Hoa Kỳ ghi nhận kết quả hoạt động vượt trội với doanh thu tăng 25,6% sau khi doanh thu ký mới từ các khách hàng lớn tại Hoa Kỳ vào cuối năm 2020 bắt đầu được ghi nhận trong quý I/2021.
Đáng chú ý, vào cuối năm 2020, một công ty vận hành sàn giao dịch ô tô lớn tại Mỹ đã lựa chọn FPT từ hàng trăm nhà cung cấp CNTT toàn cầu khác cho các dự án CNTT trong vòng 3 năm tới của công ty vận hành sàn giao dịch ô tô này.
Chi tiết dự phóng KQKD của FPT giai đoạn 2021 - 2023 (nguồn: VNDirect)
Bên cạnh đó, động lực thứ hai của FPT là mới đây đã ký kết thỏa thuận lập quy hoạch tỉnh Bình Định giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu biến Bình Định trở thành trung tâm kinh tế khu vực miền Trung Việt Nam và trung tâm trí tuệ nhân tạo (AI) của Đông Nam Á.
Báo cáo của VNDirect cũng chỉ ra rằng, biên lợi nhuận của FPT có thể cải thiện nhờ tỷ trọng đóng góp từ doanh thu mảng Dx (chuyển đổi số) vào doanh thu công nghệ tăng lên.
Trong năm 2021, doanh thu Dx được dự báo đạt 4.303 tỷ đồng, tăng 33,7% so với năm ngoái, đóng góp 20,8% vào doanh thu công nghệ và 12,2% doanh thu tổng doanh thu của FPT.
Trong quý I vừa qua, FPT ghi nhận rất nhiều đơn đặt hàng về thực hiện chuyển đổi số cho các khách hàng quốc tế.
Trong đó, có 4 dự án với tổng quy mô lên tới hơn 5 triệu USD (trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ có 2 dự án tương đương), từ đó giúp doanh thu ký mới của FPT tăng 43,1% đạt 4.489 tỷ đồng.
Theo ước tính của VNDirect, biên lợi nhuận gộp của FPT sẽ tăng 0,2 điểm % lên 39,8% trong năm 2021. Doanh thu và lợi nhuận ròng của FPT năm 2021 lần lượt tăng 18,7% và 21%.
Lộ diện đối thủ đáng gườm, "đe dọa" túi tiền của Chủ tịch Trương Gia Bình
Trên thị trường chứng khoán cổ phiếu FPT hiện đang giao dịch quanh ngưỡng 97.900 đồng/cp. Với mức giá này, thị giá của FPT đã tăng tới 66% kể từ đầu năm tới nay.
Với 55,5 triệu cổ phiếu FPT đang nắm giữ, khối tiền riêng này của Chủ tịch Trương Gia Bình "cộng" thêm gần 2.200 tỷ đồng sau 5 tháng, lên 5.433 tỷ đồng. Ông Trương Gia Bình đang đứng thứ 28 trong Top những người giàu chứng khoán Việt Nam.
Diễn biến cổ phiếu FPT từ đầu năm đến nay
VNDirect duy trì khuyến nghị Khả quan với giá mục tiêu 117.000đ/cp đối với FPT. Tài sản của Chủ tịch Trương Gia Bình có thể lên tới 6.500 tỷ đồng nếu ước tính theo mức giá mục tiêu này.
Tuy nhiên, các chuyên gia đến từ VNDirect cũng lưu ý, FPT của Chủ tịch Trương Gia Bình phải đối mặt với không ít khó khăn trong hoạt động kinh doanh, đặc biệt là áp lực cạnh tranh đến từ các đối thủ đáng gườm trong và ngoài nước.
Thứ nhất, đó là cạnh tranh gay gắt từ các công ty công nghệ Trung Quốc và Ấn Độ ở thị trường quốc tế và từ các nhà cung cấp Internet băng thông rộng cố định nội địa trong lĩnh vực viễn thông.
Hai là, ở thị trường nước ngoài, Ấn Độ nhìn chung là điểm đến gia công CNTT hàng đầu cho các doanh nghiệp đang tìm kiếm một nền công nghiệp phần mềm phát triển với số lượng lớn các chuyên gia CNTT lành nghề.
Do đó, theo dự đoán, Ấn Độ vẫn sẽ là điểm đến yêu thích cho gia công CNTT. Sự cạnh tranh đến từ quốc gia này là một thách thức lớn cho FPT trong quá trình tìm kiếm thị phần toàn cầu.
Áp lực cạnh tranh của các đối thủ là rủi ro giảm giá cổ phiếu FPT
Tại thị trường trong nước, sự cạnh tranh mạnh mẽ từ hai nhà mạng lớn có vốn nhà nước là Viettel và VNPT là nỗi lo cho FPT trong mảng kinh doanh viễn thông.
Theo đó, để cạnh tranh, FPT cần tăng cường chi tiêu cho việc nâng cấp cơ sở hạ tầng để mở rộng độ phủ, điều này sẽ dẫn tới chi phí đầu tư tăng.
Sự thiếu hụt nhân lực CNTT và chi phí lao động gia tăng cũng là rủi ro tiềm tàng đối với FPT. Điều này có thể ảnh hưởng một phần tới FPT vì mảng gia công phần mềm là mảng thâm dụng lao động, do đó, nếu chi phí lao động tăng lên đáng kể sẽ ảnh hưởng tới chi phí hoạt động của công ty.
Áp lực kể trên có thể kéo tới rủi ro giảm giá cổ phiếu FPT, từ đó tác động tới "túi tiền" của Chủ tịch Trương Gia Bình.
VietBF@ sưu tập