Các thành viên lớn tuổi nhất của thế hệ Millennial năm nay bước sang tuổi 40, nhưng họ chỉ giàu bằng 80% so với cha mẹ ở độ tuổi này.
Những người đời đầu của thế hệ Thiên niên kỷ (Millennials, sinh từ 1981 đế 1996) ở Mỹ đang có năng lực tài chính kém hơn thế hệ cha mẹ. Ít người trong nhóm này sở hữu nhà hơn. Họ mắc nợ nhiều nợ - đặc biệt là nợ sinh viên. Đơn giản vì họ không giàu có.
Tháng 4 vừa qua, Kellie Beach, một luật sư bất động sản, đã bước sang tuổi 40 vẫn quay cuồng với việc tồn tại bằng thẻ tín dụng. "Tôi chỉ quen với việc quẹt thẻ và bội chi". Tôi sẽ không thế nữa. Tôi nóng lòng muốn thoát khỏi món nợ này, muốn tiết kiệm cho quỹ khẩn cấp của mình và đầu tư lại", cô nói.
Tương tự, mới đây khi bước sang tuổi 40, Dustin Roberts mua căn nhà đầu tiên của mình. Trong khi đó, mẹ và cha của anh mua căn nhà đầu tiên lúc họ ở độ tuổi 20 và 30. Anh không thể tiết kiệm nhanh hơn cho khoản trả trước căn nhà vì phải trả nợ sinh viên. Anh vẫn còn nợ 38.000 USD tại Đại học Bang San Diego.
"Bố tôi luôn nói tầm quan trọng của việc mua một ngôi nhà, đó là phương thức đảm bảo tài chính cho ông ấy. Tôi đang kiếm được nhiều hơn bố thời bằng tuổi tôi, nhưng liệu có khá hơn ông không? Tôi không biết mình có thể nói có hay không", Roberts, nhân viên bán hàng tại Milwaukee Tool ở Savannah, Georgia cho biết.
Thế hệ Thiên niên kỷ lớn nhất của Mỹ - sinh năm 1981 - năm nay bước sang tuổi 40. Họ lớn lên trong thời kỳ thịnh vượng kéo dài vào những năm 1990, với tỷ lệ thất nghiệp giảm dần. Nếu họ còn nhớ về một cuộc suy thoái thời thơ ấu thì đó là năm 1990, khi nền kinh tế chỉ giảm dưới 2%.
Nhưng khi bước vào tuổi trưởng thành, họ đã phải đối mặt với những cuộc suy thoái lớn ngay những giai đoạn quan trọng trong quá trình phát triển tài chính. Lúc họ 27 tuổi chứng kiến Lehman Bros phá sản và cuộc Đại suy thoái xảy ra khi họ đáng lẽ phải tham gia lực lượng lao động.
"Cuộc Đại suy thoái đã khiến mọi người thụt lùi. Nó gây ra thất nghiệp, tiền lương tăng chậm nên việc tích lũy của cải trở nên khó khăn hơn", William Gale, Thành viên cấp cao của Chương trình Nghiên cứu Kinh tế tại Viện Brookings cho biết.
Sau đó, khi thế hệ Millennials đạt đến thời điểm đỉnh cao trong sự nghiệp, lúc mọi người theo truyền thống chuyển sang các vai trò quản lý, được trả lương cao hơn, thì đại dịch ập đến làm kinh tế Mỹ giảm 3,5% năm 2020. Trong khi, thế hệ Baby Boomers (sinh từ 1946 đến 1964) bước sang tuổi 40 vào năm 1986, lúc kinh tế tăng trưởng 3,5%.
Giờ đây, kinh tế đang phục hồi, các lĩnh vực như bán lẻ và sản xuất mạnh hơn cả trước đại dịch. Cổ phiếu ở mức cao kỷ lục, và sự giàu có đang tăng lên - đặc biệt là đối với những người Mỹ giàu nhất. Nhưng vẫn phải xem liệu việc làm và tiền lương có bắt kịp hay không.
Nợ sinh viên
Nhiều người trẻ vay tiền học đại học hơn các thế hệ trước và các khoản vay cũng lớn hơn. Millennials bắt đầu học đại học năm 1999, trả trung bình 15.604 USD mỗi năm cho học phí, lệ phí và tiền ăn ở. Trong khi Baby Boomers chỉ trả khoảng 10.300 USD mỗi năm, đã điều chỉnh theo lạm phát.
Khoản nợ này đi theo người trẻ trong nhiều năm. Summer Galvez tròn 40 tuổi vào tháng này, đã theo học Đại học Clark Atlanta (Georgia) vài học kỳ rồi rút lui vì không đủ khả năng chi trả. Trong cuộc khủng hoảng tài chính, cô bị cho nghỉ việc 2 lần. Galvez đang điều hành 2 doanh nghiệp ở Dallas nhưng vẫn đang trả nợ sinh viên sau 20 năm. "Luôn có những yếu tố kinh tế có thể xảy ra khiến cuộc sống của bạn thực sự bị ảnh hưởng", cô nói.
Vào đại học ngày nay quan trọng hơn với người trẻ. Thế hệ Millennials có bằng cử nhân trở lên kiếm được nhiều hơn 113% so với việc chỉ có bằng tốt nghiệp trung học. Nhưng Baby Boomers được học đại học chỉ kiếm được nhiều hơn 57% so với các bạn cùng trang lứa trình độ trung học.
"Đó là một trong những bước phát triển rõ rệt của thị trường việc làm, nơi giáo dục đã trở thành một yếu tố dự báo thành công lớn hơn", Lowell Rickets, nhà khoa học dữ liệu của Viện Công bằng Kinh tế tại Fed St. Louis, cho biết.
Sở hữu nhà
Tỷ lệ sở hữu nhà của Millennials thấp hơn các thế hệ trước ở cùng thời điểm trong đời. Chỉ 61% trong số họ có nhà, so với tỷ lệ 68% đối với thế hệ X và 66% đối với Baby Boomers. Richard Fry, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Pew cho biết, cách cơ bản mà các hộ gia đình trung lưu Mỹ xây dựng sự giàu có là thông qua ngôi nhà của họ. "Millennials ít có khả năng làm chủ nhà hơn. Ít người trong số họ đã bắt đầu quá trình xây dựng tài sản là nhà", ông nói.
Một trong những thủ phạm là giá nhà đất tăng - đặc biệt là so với thu nhập. Millennials đang trả trung bình 328.000 USD cho một ngôi nhà. Baby Boomers chỉ phải chi 216.000 USD - đã được điều chỉnh theo lạm phát - vào năm 1989. Trong khi, tiền lương của người trẻ chỉ tăng 20%.
Vào năm 2020, 18% người thuê nhà trẻ tuổi có kế hoạch thuê mãi mãi, tăng năm thứ ba liên tiếp, theo báo cáo từ Apartment List. Trong số những người trẻ có kế hoạch mua nhà, 63% không có tiền trả trước.
Tỷ lệ người trẻ sống với cha mẹ cũng cao hơn đáng kể so với các thế hệ trước. "Về khái niệm, điều đó có thể giúp họ tích lũy tài sản vì sẽ trả ít tiền thuê hơn và có thể tiết kiệm nhiều hơn," Gale của Brookings, Đồng tác giả nghiên cứu của NBER nói và cho biết: "Nhưng xét về thực tế thì đó là dấu hiệu cho thấy kinh tế thiếu thốn".
Một yếu tố khác là thị trường nhà đất đang cực kỳ nóng, một phần là nhờ lãi suất cực thấp. "Thật tuyệt nếu bạn là chủ nhà", Gale nói. "Nhưng thật tồi tệ nếu bạn là một người thuê nhà đang cố gắng mua một ngôi nhà", anh chia sẻ thêm.
Tài sản ròng
Baby Boomers có khối tài sản khoảng 113.000 USD – điều chỉnh theo lạm phát - vào năm 1989, khi họ ở độ tuổi đầu 40. Thế hệ Thiên niên kỷ thì chỉ có 91.000 USD vào năm 2019. Gale cho biết, thế hệ trẻ giờ đa dạng về chủng tộc hơn. Các nhóm dân thiểu số thường có mức tích lũy tài sản và tiền lương thấp hơn. Gia đình da trắng trung bình có số tài sản gấp gần 8 lần gia đình da đen và gấp 5 lần gia đình gốc Tây Ban Nha. Và đại dịch càng làm gia tăng bất bình đẳng này.
Sau này Millennials sẽ nhận được tài sản thừa kế của gia đình, nếu có. "Nhưng khi đó, có thể đã quá muộn để họ tận dụng nó vào một số mục tiêu giữa cuộc đời, chẳng hạn như mua nhà, đầu tư chứng khoán và trả bớt nợ", Ricketts của Fed St. Louis, cho biết.
Signe-Mary McKernan, Nhà kinh tế học và Đồng giám đốc của sáng kiến Cơ hội và Sở hữu tại Viện Đô thị ở Washington, cho rằng những người thuộc thế hệ đầu của Millennials có thể bắt kịp sự giàu có, bắt đầu với một tài khoản tiết kiệm khẩn cấp, dù là nhỏ. Sau đó, họ có thể tập trung vào đóng quỹ hưu trí, mua một căn nhà.
"Tôi không nghĩ rằng đã quá muộn. Nếu chúng ta thiết lập nền tảng vững chắc hơn cho an ninh kinh tế và nó được thể chế hóa cho tất cả mọi người, thì có thể làm cho cuộc sống của những người trẻ thuộc thế hệ Thiên niên kỷ, thậm chí các thế hệ tương lai và cho cả đất nước tốt hơn", bà nói.
|
|