Thấy khó chịu nhưng khi thấy khối sùi ở đầu dương vật có mùi khó chịu, chàng trai trẻ 26 tuổi mãi mới dám đến BV vì lo ngại có "bệnh xã hội". Kết cục còn đáng ngại hơn khi bệnh nhân được xác định ung thư dương vật.
Bác sĩ Nguyễn Đình Quân, Khoa Phẫu thuật thẩm mỹ và phục hồi chức năng, Bệnh viện Da liễu Trung ương kể về trường hợp thanh niên 26 tuổi bị cắt bỏ 1/2 dương vật bị ung thư.
Trước thời điểm nhập viện, bệnh nhân xuất hiện tình trạng chảy dịch đầu bao quy đầu, có khối sùi... nhưng e ngại đến viện. Đến khi tình trạng trầm trọng hơn, lo ngại mắc "bệnh xã hội" bệnh nhân mới đến viện.
"Kết luận của bác sĩ là ung thư dương vật khiến bệnh nhân ngã ngửa, vì bản thân bệnh nhân chỉ nghĩ viêm nhiễm bao quy đầu, do bệnh nhân bị hẹp bao quy đầu từ nhỏ", BS Quân cho biết.
Tại thời điểm đến viện, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị ung thư dương vật giai đoạn 2, không thể bảo tồn toàn bộ dương vật mà phải tiến hành cắt bỏ 1/2.
Các bác sĩ cảnh báo, khi phát hiện bất cứ dấu hiệu bất thường ở "cậu nhỏ", nam giới nên đến viện khám.
Trong thực tế, đa số trường hợp xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo hàng năm trời bệnh nhân mới đến viện vì tâm lý ngại đi khám vùng kín, chỉ tự mày mò các loại thuốc để chữa các vết loét xuất hiện ở vùng kín. Chỉ đến khi vùng kín đau nhiều, chảy dịch, khối sùi to hơn bệnh nhân mới đến cơ sở y tế. Chính vì vậy, nhiều trường hợp khi đến viện đã ở giai đoạn muộn, di căn xa, phải cắt bỏ toàn bộ dương vật, nạo vét hạch hai đùi.
Với ung thư dương vật, phát hiện sớm việc điều trị bảo tồn, cơ hội sống rất tốt cho bệnh nhân. Còn nếu đến muộn (từ giai đoạn 2) việc điều trị đã rất phúc tạp, đại đa số phải cắt cụt hoàn toàn, nạo vét hạch bẹn hai bên, xem tình trạng đã xâm lấn di căn hay chưa.
Vì thế, khi xuất hiện các tình trạng như viêm, sưng khi bị hẹp bao quy đầu, có nốt sùi nhỏ, loét ở vùng quy đầu, dễ chảy máu khi vệ sinh hoặc khi quan hệ tình dục... cần đến bệnh viện khám để được chẩn đoán, điều trị tốt nhất.
VietBF@sưu tập