Một số thói quen tưởng chừng vô hại, nhưng lại có liên quan đến stress và chứng trầm cảm, gây suy giảm năng lượng tích cực của bạn.
Bạn chớ suy nghĩ chủ quan! Bằng chứng khoa học cho thấy: Nếu bạn muốn tránh xa stress và tái tạo năng lượng cho bản thân, hãy bỏ thói quen hay tua lại các biến cố trong quá khứ, thôi tự dằn vặt bản thân, tự phê bình quá mức.
Thậm chí cũng giảm cả việc chia sẻ các chuyện đen đủi gặp phải trong cuộc sống thường nhật…
Bỏ thói quen "soi lại" các biến cố căng thẳng trong quá khứ
Suy nghĩ về một biến cố căng thẳng trong quá khứ, cho dù biến cố đó là 5 năm trước hay 5 phút trước đều không tốt cho tâm lý của bạn.
Một nghiên cứu năm 2017 được công bố trong Tạp chí Nghiên cứu Hành vi và Trị liệu đã phát hiện ra rằng việc suy nghĩ về các biến cố căng thẳng quá khứ dẫn đến các triệu chứng trầm cảm gia tăng. Càng nghĩ nhiều về một biến cố căng thẳng, càng có nhiều khả năng bị trầm cảm.
Thay vì nhớ lại những biến cố không thể thay đổi, hãy tăng cường các năng lượng tích cực như lập kế hoạch cho tương lai hoặc tận hưởng khoảnh khắc hiện tại.
Giảm chia sẻ các vấn đề "đen đủi"
Bạn có thể nghĩ rằng cứ gọi cho một người bạn để phàn nàn, kể lể về những "đen đủi" của bạn sẽ giúp giải phóng những cảm xúc tiêu cực. Nhưng thay vì "vơi đi" bớt cảm xúc xấu ( chán nản, bực bội, tức giận, lo lắng...), các nghiên cứu cho thấy chia sẻ các điều tồi tệ thiếu chọn lọc có nhiều khả năng khuếch đại những cảm xúc tiêu cực của bạn.
Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Lâm sàng trẻ em và Tâm lý vị thành niên đã tìm thấy mối liên hệ giữa tin đồn và trầm cảm.
Một nghiên cứu khác được công bố trên Tạp chí Hormon và Hành vi cho thấy rằng bàn tán các vấn đề xấu, tiêu cực với bạn bè làm tăng nồng độ hormone stress ở phụ nữ. Vì vậy, trong khi bạn có thể nghĩ rằng, nói về vấn đề "đen đủi" của bạn với bạn bè, với thói quen kèm theo một lời dặn "nhớ giữ kín thông tin nhé" giúp làm bạn giảm căng thẳng, nhưng ngược lại, nếu bạn chia sẻ không chọn lọc thông tin với bạn bè có thể làm tăng cảm xúc tiêu cực của bạn và giữ cho bạn bị "mắc kẹt" trong một tâm trạng xấu hơn.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng việc bạn kiềm chế, giảm bàn tán, đưa tin đồn "thất thiệt" sẽ giúp giảm bớt tâm trạng chán nản.
Thôi tự dằn vặt phê bình quá mức bản thân
Bạn có thể tự gọi mình là ngu ngốc sau mỗi lần bạn phạm sai lầm. Có thể bạn thường tự tổng kết, chỉ ra mọi "lỗ hổng" của bạn khi không thành công trong một nhiệm vụ và cho đó là một sự tự phê bình cần thiết để tiến bộ hơn. Nhưng nếu sự tự phê bình là thái quá hoặc quá khắc nghiệt với bản thân, có thể là một thói quen không tốt cho sức khỏe.
Sự tự phê bình quá mức cần thiết tác động tiêu cực tới sức khỏe tâm hồn bạn.
Một nghiên cứu được công bố trong Tạp chí Personality and Individual Differences cho thấy rằng, tự dằn vặt phê bình quá mức làm tăng các triệu chứng trầm cảm. Ngược lại, rộng lượng và buông bỏ tốt hơn cho sức khỏe tâm lý và khả năng phục hồi sức khỏe cao hơn.
Thay đổi cách bạn nghĩ có thể giúp bạn cảm thấy tốt hơn. Phá vỡ và thay đổi một thói quen thường khó khăn, nhưng với sự nỗ lực và nhận thức đúng đắn, bạn có thể học cách xây dựng và phát triển một cuộc đối thoại nội tâm tốt hơn.
Tóm lại, bạn hãy bỏ dần các thói quen xấu nêu trên, hãy đón lấy một ngày mới với một cơ thể giàu năng lượng, với suy nghĩ mạnh mẽ, chấp nhận thử thách và giữ thăng bằng tâm lý trong các tình huống sẽ giúp bạn có nhiều cơ hội thành công hơn trong cuộc sống.
VietBF @ Sưu tầm