Vấn đề lão hóa có ảnh hưởng đến đôi bàn chân cũng như tất cả các phần khác của cơ thể. Với gánh nặng suốt bao năm tháng mà chúng ta đặt lên đôi bàn chân của mình trong suốt cuộc đời, điều này cũng thật dễ hiểu…
Thực tế cho thấy quá trình lão hóa của cơ thể bắt đầu từ rất sớm và âm thầm tác động lên các bộ phận trong ngoài cơ thể. Với đôi bàn chân, những thay đổi này có xu hướng tiến triển dần dần khi quá trình phân chia tế bào và sự sản sinh ra collagen bắt đầu bị chậm lại.
Các vấn đề về chân có liên quan đến vấn đề lão hóa thông dụng nhất là những ảnh hưởng đến da, mô liên kết, khớp, móng chân và sự lưu thông máu huyết.
1/ Khô da ở người cao tuổi
Gót chân bị nứt nẻ do khô da ở người cao tuổi có thể dẫn đến bị nhiễm trùng.
Sự suy giảm chất collagen trầm trọng hơn cùng với việc thiếu sự chăm sóc bàn chân có thể dẫn đến tình trạng gót chân bị nứt nẻ và sần sùi.
Nếu không được điều trị kịp thời, như bôi kem dưỡng da, giữ vệ sinh bàn chân, da ở gót chân nứt nẻ có thể khiến cho người cao tuổi thấy đau đớn khi đi lại hoặc thậm chí cả ở tư thế đứng. Nếu các vết nứt ăn sâu vào trong da, vi khuẩn có thể xâm nhập vào và gây ra nhiễm trùng ở bàn chân. Ở những người lớn tuổi hoặc người mắc bệnh tiểu đường, tình trạng này có thể dẫn đến nhiễm trùng da nghiêm trọng là viêm mô tế bào.
2/ Thoái hóa gân Achilles
Gân Achilles rất quan trọng cho sự cử động của bàn chân. Sự thoái hóa gân này có thể làm ảnh hưởng đến khả năng hoạt động linh hoạt của cổ chân, bàn chân và ngón chân, thậm chí có thể có ảnh hưởng xấu đến chuyện đi đứng bình thường. Nguy cơ bị rách, đứt gân này nếu người cao tuổi vận động quá mức như nhảy mạnh, chạy nhanh trên các bậc cầu thang…
Để phòng ngừa nguy cơ bị chấn thương, người cao tuổi cần chú ý thường xuyên tập các bài tập có tác dụng nhằm kéo giãn gân Achilles.
3/ Ngón chân bị co quặp
Đó là sự uốn cong bất thường ở khớp của một hoặc nhiều ngón chân. Nguyên nhân có thể do việc đi giày quá bó chật hoặc giày cao gót trong nhiều năm liền. Sự phân bố trọng lượng cơ thể không đồng đều lên các khớp và dây chằng của bàn chân. Khi tình trạng này xảy ra sẽ khiến cho ngón chân bị đẩy về phía trước, làm khớp ngón chân cái trở nên mất ổn định và dễ bị tổn thương. Cứng khớp, khó chịu, sưng và đau là triệu chứng rất phổ biến.
Với ngón chân bị biến dạng, co quặp sang ngón khác, việc kéo giãn ra có thể giúp khôi phục một số khả năng vận động nhưng không đảo ngược tình trạng bệnh. Để khắc phục, có thể dùng miếng đệm ở ngón chân, nẹp và giày dép vừa vặn có thể giúp giảm bớt phần nào cảm giác khó chịu và đau nhức.
4/ Bàn chân bẹt ở người cao tuổi
Khi bàn chân bắt đầu có hiện tượng lảo hóa, các mô liên kết sợi được gọi là dây chằng có thể bắt đầu bị xơ cứng, làm giảm chiều cao của vòm chân, dẫn đến sụp vòm chân gây ra tình trạng bàn chân bị bẹt ra.
Bàn chân bẹt kéo theo hàng loạt hậu quả cho hệ thống vận động của cơ thể như: sưng mắt cá trong và ngoài vòm chân, đau gót chân, cột sống, xương hông, đầu gối... Sụp vòm bàn chân cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho người cao tuổi dễ mất cân bằng cơ thể, dễ té ngã.
5/ Thay đổi ở móng chân
Móng chân thường trở nên dày hơn và dễ gãy hơn khi chúng ta già đi, điều này khá là bình thường. Sự phát triển của móng có liên quan đến sự suy giảm hormone ở người cao tuổi.
Estrogen và
testosterone là các
hormone kích thích sản xuất chất
keratin và góp phần làm cho móng chân và móng tay trở nên mịn màng, vững chắc. Khi các hormone này bị suy giảm, có thể khiến cho móng chân của chúng ta đổi màu, bị nứt nẻ và hình thành các đường gờ và lớp không đồng đều.
Mặc dù chăm sóc móng đúng cách có thể cải thiện đáng kể vẻ ngoài của móng, nhưng điều đó không đủ để ngăn chận hoàn toàn những thay đổi có liên quan đến sự lão hóa. Ngoài ra, móng của người cao tuổi có thể có những thay đổi và những dấu hiệu này có thể cảnh cáo về một số căn bệnh như suy tuyến giáp, bệnh tim, bệnh phổi, bệnh gan, nấm móng, ung thư móng…
6/ Dày sừng tiết bã
Một tình trạng ở da phổ biến ở người cao tuổi là dày sừng tiết bã. Đây là u da lành tính và thường bị lầm với mụn cóc,có thể gặp ở đầu bàn chân, ngón chân và mắt cá chân, ngoại trừ ở lòng bàn chân. Mặc dù các tổn thương này không gây đau đớn nhưng đôi khi chúng có thể gây ngứa hoặc bị kích ứng khi đi giày.
Trong một số trường hợp, dày sừng tiết bã có thể khó phân biệt với u da ác tính. Hãy đi khám bác sĩ nếu bạn nhận thấy bất cứ thay đổi nào về màu sắc, kết cấu hoặc hình dạng của các tổn thương. Đây có thể là dấu hiệu ban đầu của ung thư da, bao gồm ung thư biểu mô tế bào đáy sắc tố và u hắc tố da.
7/ Viêm thấp khớp
Viêm thấp khớp có ảnh hưởng đến khoảng 10% nam giới và 13% phụ nữ trên 60 tuổi. Các khớp cổ chân, mắt cá chân, khớp ngón chân cái, khớp bàn ngón chân thường bị ảnh hưởng ít nhiều.
Ngoài ra, bệnh gút là một bệnh rối loạn gây viêm trong đó sự tích tụ của các tinh thể axit uric chung quanh khớp gây ra các cơn đau cấp tính, chủ yếu ở ngón chân cái.
8/ Vấn đề về tuần hoàn máu
Một trong những triệu chứng phổ biến nhất ở bàn chân và mắt cá chân ở người cao tuổi là bị phù. Phù thường do máu lưu thông kém, dẫn đến tích tụ chất lỏng ở chi dưới (đặc biệt là mắt cá chân và bàn chân).
Phù thường có liên quan đến các bệnh gặp ở người lớn tuổi, chẳng hạn như bị suy tim, suy thận mãn tính, gơ gan và các bệnh khác về gan…
Sự tắc nghẽn của mạch máu có thể dẫn đến viêm tắc tĩnh mạch sâu, viêm mạch bạch huyết, điển hình là bị phù một bên chân. Bệnh tim mạch, một số loại thuốc và sự thay đổi nội tiết tố có thể gây ra phù nề ở cả hai chân.
Bệnh tiểu đường cũng có thể ảnh hưởng đến sự lưu thông máu, đặc biệt là ở người già. Nếu tắc nghẽn mạch xảy ra, nhiễm trùng bàn chân do tiểu đường có thể khó điều trị nhiều, dẫn đến sự hình thành các vết loét không lành, hoặc bị hoại tử.
Bệnh thần kinh do tiểu đường với cảm giác như kim châm chủ yếu ảnh hưởng đến chân và bàn chân, là một hậu quả phổ biến khác của sự tuần hoàn máu kém.