Trong năm 2022, giới nghiên cứu phát hiện nhiều ngoại hành tinh có đặc điểm khác thường như mưa sắt hoặc mây silicate.
TOI-2180 b
Mô phỏng hành tinh TOI-2180 b. Ảnh: NASA
Các nhà thiên văn học phát hiện một hành tinh bí ẩn lớn cỡ sao Mộc quay quanh sao chủ. Hành tinh mang tên TOI-2180 b nằm tương đối gần Trái Đất, cách 379 năm ánh sáng. Ngoại hành tinh này có đường kính tương tự sao Mộc nhưng khối lượng lớn gấp gần 3 lần. Khác biệt về mật độ này chứng tỏ hành tinh hình thành khác với sao Mộc.
Điều khiến TOI-2180 b khác thường là hành tinh mất 261 ngày để quay quanh ngôi sao, lâu hơn nhiều so với phần lớn hành tinh khí khổng lồ được phát hiện từ trước tới nay. Một đặc điểm kỳ lạ khác là nhiệt độ trung bình của hành tinh vào khoảng 77 độ C. Dù ấm hơn sao Mộc và sao Thổ, TOI-2180 b vẫn khá lạnh so với nhiều ngoại hành tinh khổng lồ khác, theo trưởng nhóm nghiên cứu Paul Dalba ở Đại học California, Riverside.
TOI-1075 b
Mô phỏng hành tinh TOI-1075 b. Ảnh: NASA
Siêu Trái Đất cực nóng mới là một trong những hành tinh lớn nhất từng được phát hiện. Ngoại hành tinh này có magma bao phủ với một năm chỉ kéo dài nửa ngày. TOI-1075 b được tìm thấy bởi tàu vũ trụ Vệ tinh khảo sát ngoại hành tinh chuyển tiếp (TESS) của NASA. Hành tinh có bề mặt siêu nóng với nhiệt độ 1.050 độ C do nằm gần sao chủ, một ngôi sao đỏ - cam nhỏ cách Trái Đất khoảng 200 năm ánh sáng. Ngoài thời tiết cực hạn và quỹ đạo ngắn chỉ kéo dài 14,5 giờ, TOI-1075 b là ngoại hành tinh đá lớn gấp gần 10 lần Trái Đất.
WASP-76 b và WASP-121 b
Mô phỏng mưa sắt trên hành tinh WASP-76 b. Ảnh: ESO
Tomás Azevedo Silva, nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Đại học Porto, Bồ Đào Nha, và cộng sự phát hiện kim loại bari trên bầu trời của hai ngoại hành tinh. Đây là nguyên tố nặng nhất từng được tìm thấy trong khí quyển của ngoại hành tinh. Phát hiện trên hai hành tinh khí khổng lồ siêu nóng là WASP-76 b và WASP-121 b có thể hé lộ nhiều hơn về lớp hành tinh sao Mộc nóng quay gần sao chủ và bị khóa thủy triều, do đó có một mặt ban ngày luôn hướng về phía sao chủ và mặt ban đêm tương đối mát.
WASP-76 b có nhiệt độ ở mặt ban ngày lên tới 2.400 độ C, đủ nóng để làm bay hơi sắt và nhiều kim loại khác. Khi sắt bay hơi bị thổi về phía mặt ban đêm mát hơn, nó hóa lỏng và rơi xuống tạo thành "mưa sắt".
WASP-103b
Hành tinh hình quả bóng WASP-103b. Ảnh: ESA
Ngoại hành tinh WASP-103b trông giống quả bóng đá hơn hình cầu thông thường. Hình dáng kỳ lạ của hành tinh siêu nóng WASP-103b, cách Trái Đất hơn 1.000 năm ánh sáng, là kết quả do bị kéo căng bởi lực hấp dẫn của sao chủ.
WASP-103b chỉ mất một ngày để quay quanh sao chủ, do đó chịu tác động từ bức xạ và lực hấp dẫn mạnh của ngôi sao. Thông qua theo dõi một số lần hành tinh di chuyển ngang qua bề mặt sao chủ, nhà nghiên cứu Babatunde Akinsanmi ở Đại học Geneva có thể đo mức độ biến dạng của nó.
VHS 1256 b
Kính viễn vọng không gian James Webb của NASA phát hiện một hành tinh được bao phủ bởi đám mây chứa các hạt silicate giống cát. Hành tinh quay quanh ngôi sao lùn nâu lớn gấp gần 20 lần sao Mộc. Dù sao lùn nâu không thể đốt cháy hydro trong phản ứng hạt nhân, chúng có thể phát ra ánh sáng và nhiệt thông qua đốt deuterium, đồng vị hiếm gặp hơn của hydro. Sao lùn nâu là những thiên thể khác thường, nặng hơn nhiều so với hành tinh nhưng lại quá nhẹ để trở thành sao
Sao lùn nâu VHS 1256 b quay quanh hai ngôi sao lùn đỏ ở cách Trái Đất 72 năm ánh sáng trong chòm sao Corvus. Dữ liệu từ kính viễn vọng James Webb hé lộ VHS 1256 b có những đám mây dày tạo từ các hạt silicate.