Rối loạn tiền đình có thể chỉ xuất hiện vài ngày rồi hết nhưng cũng có thể kéo dài, tái phát nhiều lần. Tình trạng này không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sinh hoạt, công việc của bệnh nhân mà còn có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
Theo các bác sĩ, trong cơn bệnh, nếu người bệnh cố gắng đi lại thì có thể bị ngã, gây chấn thương trầy xước da hay thậm chí là gãy tay, chân, chấn thương sọ não (do đập đầu vào vật cứng/nền đất cứng),... Biến chứng nguy hiểm nhất của rối loạn tiền đình là gây đột quỵ do máu lên não kém. Vì vậy, khi phát hiện bệnh, người bệnh nên thực hiện điều trị rối loạn tiền đình tích cực theo hướng dẫn của bác sĩ.
Rối loạn tiền đình ảnh hưởng đến công việc và chất lượng cuộc sống, vì vậy, khi nghi ngờ cần tới cơ sở y tế để được thăm khám và chỉ định làm các xét nghiệm chẩn đoán như: Đo não đồ hoặc làm các xét nghiệm hình ảnh như chụp X quang, CT Scanner hoặc phải sử dụng cộng hưởng từ (MRI) để tìm đúng nguyên nhân gây hội chứng rối loạn tiền đình. Để từ đó có các phương pháp điều trị thích hợp.
Rối loạn tiền đình có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Ảnh minh hoạ
Cách tốt nhất để phòng rối loạn tiền đình là thường xuyên tập thể dục thể thao. Đối với người làm việc văn phòng cần tránh ngồi quá lâu trước máy vi tính. Thường xuyên thực hiện các bài tập vận động vùng đầu, cổ gáy.
Cần uống nước thường xuyên khoảng 2 lít/ngày, nên để ly nước lọc trên bàn làm việc để tập thói quen uống nước thường xuyên, tránh để quá khát mới uống nước.
Khi bệnh nhân đã mắc rối loạn tiền đình thì phải cẩn trọng trong tư thế sinh hoạt, như không nên quay cổ một cách đột ngột hoặc đứng lên ngồi xuống quá nhanh, tránh lái xe hoặc điều khiển máy móc có động cơ mạnh để tránh tiếng ồn.
Ngoài ra, cần giảm căng thẳng, lo âu, tránh đọc sách báo khi ngồi ôtô, nên ngồi hoặc nằm ngay xuống nếu cảm thấy chóng mặt... Trường hợp chóng mặt kèm theo các triệu chứng như nhức đầu, mờ mắt, thì nên đi khám ngay.
Các phương pháp điều trị bệnh rối loạn tiền đình hiệu quả
Tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ, sử dụng thuốc đúng và đủ liều theo đơn thuốc bác sĩ kê. Các loại thuốc và liều lượng sử dụng của mỗi người là khác nhau, tùy thuộc và quá trình kiểm tra, xét nghiệm lâm sàng xác định nguyên nhân và mức độ tổn thương của bệnh.
Tập các bài tập phục hồi chức năng tiền đình. Các bài tập này được sẽ giúp tăng cường hoạt động phối hợp các bộ phận của cơ thể, giúp não nhận biết tín hiệu và xử lý các tín hiệu từ tiền đình thông suốt, nhịp nhàng hơn.
Tập thể dục đều đặn: Tập thể dục giúp tăng cường sức khỏe, tăng cường lưu thông khí huyết, giúp quá trình tuần hoàn máu não ổn định hơn. Đồng thời giảm bớt áp lực, căng thẳng cho người bệnh.
Cân bằng giữa làm việc và nghỉ ngơi
Có chế độ ăn uống hợp lý: Ăn đầy đủ các nhóm chất, cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể. Ăn nhiều rau, củ, quả; hạn chế các đồ ăn chiên xào, đồ ăn nhiều dầu mỡ...
Thực hiện phẫu thuật nếu cần thiết: Nếu các biện pháp điều trị bệnh rối loạn tiền đình trên không có hiệu quả, không cải thiện tình trạng bệnh thì bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật.
VietBF@sưu tập