Đi vào hoạt động năm 2022, kính vũ trụ James Webb đã làm sáng tỏ những bí ẩn về sự hình thành vũ trụ giai đoạn đầu.Kính vũ trụ James Webb vừa quan sát và phát hiện một thiên hà đã "chết" khi vũ trụ chỉ mới 5% so với tuổi tại thời điểm hiện tại.
Các nhà khoa học vừa thông báo rằng, kính vũ trụ James Webb đã phát hiện một thiên hà cổ. Quá trình hình thành ngôi sao của thiên hà này đã kết thúc vào khoảng 13,1 tỷ năm trước. Mặc dù nhiều thiên hà "chết" đã được phát hiện trong những năm qua, nhưng đây là thiên hà sớm nhất được biết đến, chỉ cách sự kiện Big Bang khoảng 500 triệu năm.Thiên hà này, một "nghĩa trang sao" nhỏ, có khả năng chứa từ 100 triệu đến một tỷ ngôi sao, và nó tương đối nhỏ so với những thiên hà lớn khác. Tobias Looser, nhà thiên văn học của Viện Kavli về Vũ trụ học tại Đại học Cambridge, cho biết: "Thiên hà này dường như đã từng sống nhanh và mạnh mẽ, rồi dừng lại việc hình thành ngôi sao một cách rất nhanh chóng."
Francesco D'Eugenio, một nhà thiên văn học khác tại Viện Kavli, giải thích: "Khi quá trình hình thành ngôi sao kết thúc, các ngôi sao hiện có sẽ chết và không được thay thế." Ông cũng bổ sung: "Khi những ngôi sao nóng nhất chết đi, màu sắc của thiên hà thay đổi từ màu xanh - màu của những ngôi sao nóng - sang màu vàng đến đỏ - màu của những ngôi sao ít trọng lượng nhất."
Các nhà nghiên cứu đang cố gắng tìm hiểu nguyên nhân đằng sau việc thiên hà này dừng quá trình hình thành ngôi sao. Họ cho rằng, có thể do tác động của một lỗ đen siêu khổng lồ ở trung tâm thiên hà hoặc một hiện tượng gọi là "phản hồi" đã đẩy lượng khí cần thiết để hình thành ngôi sao mới ra khỏi thiên hà.
Với kính viễn vọng James Webb, các nhà thiên văn học có thể nhìn xa hơn và quay ngược thời gian hơn so với kính viễn vọng Hubble. Điều này đã mở ra những khám phá mới và hấp dẫn, cho phép chúng ta nhìn thấy những điều trước đây không thể quan sát được.
|