TP.HCM có những đơn vị được xem là trung tâm "đầu não" trong điều trị ung thư của khu vực phía Nam, nơi tập trung những máy móc hiện đại nhất cả nước.
Ung thư là bệnh lý phức tạp, đòi hỏi tích hợp nhiều phương pháp và đầu tư công nghệ cao. Ở Việt Nam, với gánh nặng về số ca mắc mới và tử vong do ung thư ngày càng tăng, bên cạnh cập nhật tiến bộ điều trị, việc đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại là không thể thiếu. Tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM (cơ sở 2, TP Thủ Đức), với định vị là đơn vị tuyến cuối điều trị ung thư khu vực phía Nam, nhiều máy móc hiện đại đang được áp dụng và góp phần tích cực trong chẩn đoán, điều trị ung thư cho người dân.
Nếu lúc trước chụp CT Scan (cắt lớp vi tính) dừng ở con số 32, 64 lát cắt, thì giờ đây đã có những thế hệ máy 128, 256, 768 lát cắt. Chụp cắt lớp càng nhiều dãy, các góc chụp sẽ đa dạng và dễ quan sát các cơ quan khi dựng hình. Công nghệ chụp CT 128 dãy thực hiện nhanh chóng, cung cấp hình ảnh ba chiều, rõ nét trong cơ thể với độ chính xác cao. Trong ảnh, ông T.T.Đ., 47 tuổi, ngụ Đồng Nai, được bác sĩ chỉ định chụp CT scan kiểm tra đầu - cổ, để biết chính xác vị trí của khối u ác tính.
Trong quá trình chụp, kỹ thuật viên sẽ theo dõi thông qua dàn máy tính được kết nối với máy CT Scan ở căn phòng nhỏ bên ngoài. Màn hình hiển thị kết quả từng lát cắt CT, giúp kỹ thuật viên kiểm tra thông số để đảm bảo quá trình diễn ra thuận lợi. Sau khi chụp xong, kết quả sẽ có trong vòng 30-60 phút. Thông qua kết quả CT mô phỏng, các bác sĩ có thể đưa ra đưa ra kết luận bệnh đang ở giai đoạn ung thư nào, từ đó có phác đồ điều trị phù hợp.
Ngoài hệ thống CT scan 128 lớp, bệnh viện còn trang bị một máy xạ hình SPECT Discovery NM630, máy dùng đồng vị phóng xạ để chẩn đoán hình ảnh. Kỹ thuật tạo ảnh của máy SPECT cũng tương tự máy CT scan, dùng để chụp toàn thân, ở thể tĩnh hoặc động, chụp 3 pha hoặc cắt lớp. Thông qua kết quả chụp, bác sĩ sẽ phát hiện sớm khối u và ung thư di căn, đánh giá được khả năng tái phát của bệnh.
Ông H.Q.T. (62 tuổi, ngụ Vĩnh Long) mắc bệnh ung thư đầu - cổ, được chụp SPECT để đánh giá lại hiệu quả sau khi điều trị. Sau khi có kết quả chụp, bác sĩ sẽ có phương án điều chỉnh lượng hoá trị hoặc xạ trị cho phù hợp. Thời gian chụp diễn ra trong 15-45 phút, có thể lâu hơn tuỳ thuộc vào tính chất phức tạp của vị trí tổn thương.
Đây là máy xạ hình SPECT/CT tiên tiến nhất hiện nay. Hệ thống này kết hợp 2 trong 1, giữa máy SPECT và máy CT. Với một lần chụp SPECT/CT, bác sĩ có thể phát hiện chính xác dấu hiệu tổn thương của bệnh nhân ung thư. Ở Việt Nam, hiện chỉ có hơn 40 máy SPECT và SPECT/CT.
Đây là một trong khoảng 12 chiếc máy PET/CT hiện có tại Việt Nam. PET/CT là một trong những máy chẩn đoán điều trị ung thư hiện đại nhất. Kỹ thuật tiên tiến này giúp giảm liều thuốc phóng xạ, phân lập chính xác giai đoạn của các loại ung thư. Máy PET/CT có thể ghi hình tối đa 30 ca/ngày. Trên thị trường, một hệ thống máy PET/CT đang có giá khoảng dao động 60-90 tỷ đồng.
Trong chẩn đoán hình ảnh ung thư vú, máy chụp nhũ ảnh 3D là kỹ thuật tiên tiến nhất tại Việt Nam, giúp chẩn đoán ung thư vú trong giai đoạn sớm nhất, với độ nhạy và hiệu quả cao. Trong ảnh, chị T.T.H. (47 tuổi, ngụ TP.HCM) đến bệnh viện khám tầm soát ung thư vú. Sau khi trải qua các bước thăm khám ban đầu, chị được chỉ định chụp nhũ ảnh 3D. Chiếc máy quét qua phần ngực sẽ cho ra hình ảnh đa chiều từ nhiều lát cắt mỏng. Hình ảnh này giúp bác sĩ nhìn rõ hơn ở toàn bộ lớp mô vú, từ đó phát hiện được các tổn thương bất thường.
Hệ thống máy chụp MRI 3 Tesla hay còn gọi là chụp cộng hưởng từ - đây là thế hệ tiên tiến nhất trong dòng máy MRI, nó sử dụng từ trường cao hơn cho phép máy khảo sát nhanh hơn, tái tạo hình ảnh 3D, dễ dàng phát hiện tổn thương. Trong quá trình chụp, bác sĩ chẩn đoán hình ảnh có thể quan sát mọi góc độ của vùng chụp thông qua máy tính.
Một bệnh nhân đang được chuẩn bị xạ trị đầu - cổ bằng máy xạ trị gia tốc Synergy Platform. Đây là máy xạ trị gia tốc hiện đại trong điều trị cho người bệnh ung thư, xạ trị được hầu hết bệnh ung thư. Hiện Bệnh viện Ung bướu TP.HCM có 13 máy xạ trị gia tốc, với 6 dòng máy là Truebeam, Trilogy, Synergy, Synergy Platform. Đây là một trong những đơn vị có máy xạ trị gia tốc nhiều nhất tại Việt Nam.
Một ê-kíp vận hành máy thông thường sẽ có một bác sĩ, 1-2 kỹ thuật viên. Để vận hành trơn tru các thiết bị máy móc hiện đại trong điều trị ung thư, bác sĩ và kỹ thuật viên của bệnh viện thường xuyên được tập huấn và cử đi học ở nước ngoài. Đồng thời, các chuyên gia quốc tế cũng được mời về để hướng dẫn và trao đổi kinh nghiệm.
Mặc dù có số lượng máy móc hiện đại tương đối, TS.BS Đặng Huy Quốc Thịnh, Phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, cho biết đơn vị vẫn cần thêm máy móc, nhân lực mới có thể đáp ứng lượng lớn bệnh nhân từ các tỉnh thành đổ về. Hiện bệnh viện có 1.700 nhân viên y tế ở hai cơ sở, nhưng tình trạng quá tải vẫn xảy ra, số bệnh nhân chờ xạ trị xếp hàng dài. Theo số liệu của GLOBOCAN, năm 2022, Việt Nam có 80.400 ca mắc mới và 120.000 ca tử vong vì ung thư. Đây là gánh nặng của cả xã hội và người dân, cũng là thách thức lớn của ngành y tế Việt Nam.
VietBF@ sưu tập