Quân đội Triều Tiên đang thực hiện các hoạt động xây dựng bất thường bên trong Khu phi quân sự (DMZ) ngăn cách biên giới với Hàn Quốc.
Binh lính Triều Tiên xây dựng cứ điểm ở Khu phi quân sự, trong bước ảnh chụp từ tháp quan sát của Hàn Quốc ở Paju, cách Seoul 37km về phía tây bắc, vào ngày 4/6/2024 (Ảnh: Yonhap).
"Gần đây, quân đội Triều Tiên đã dựng tường, đào đất và làm đường ở một số khu vực giữa Đường phân định quân sự (MDL) và Đường giới hạn phía Bắc ở Khu phi quân sự (DMZ)", hãng tin Yonhap (Hàn Quốc) dẫn một nguồn tin quân sự hôm 15/6 cho biết.
Nguồn tin nói thêm rằng, không rõ liệu các hoạt động của Triều Tiên có nhằm xây dựng một bức tường dài ở phía bắc MDL hay chỉ đơn giản là thiết lập các công trình phòng thủ tại các điểm cụ thể.
Đầu tuần này, khoảng 20 binh sĩ Triều Tiên đã nhanh chóng vượt qua giới tuyến trên bộ giữa Triều Tiên và Hàn Quốc, sau đó quay trở lại phía Triều Tiên khi quân đội Hàn Quốc nổ súng cảnh cáo.
Các nhà quan sát quân sự suy đoán vụ việc trên có thể liên quan đến việc Triều Tiên xây dựng bức tường biên giới. Vào thời điểm vượt qua giới tuyến, binh lính Triều Tiên mang theo dụng cụ lao động như cuốc và xẻng.
MDL chia đôi theo chiều ngang DMZ, nơi đóng vai trò là vùng đệm giữa hai miền Triều Tiên kể từ khi chiến tranh Triều Tiên (1950-53) kết thúc bằng một hiệp định đình chiến chứ không phải một hiệp ước hòa bình.
Nằm gần vĩ tuyến 38, khu phi quân sự (DMZ) đóng vai trò là biên giới quốc tế trên thực tế giữa hai miền Triều Tiên.
Kể từ khi chiến tranh Triều Tiên kết thúc, hai nước trên danh nghĩa vẫn trong tình trạng chiến tranh. Cả 2 bên đều củng cố các biện pháp bảo vệ dày đặc ở 2 bên của DMZ, bao gồm cả những bãi mìn, các hàng rào dây thép gai, hàng rào điện tử, camera trinh sát và các trạm kiểm soát quân sự.
DMZ là dải đất dài 250km, rộng 4km, chạy ngang bán đảo Triều Tiên. Năm 1993, cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton từng gọi biên giới liên Triều là "khu vực đáng sợ nhất trên trái đất".
Tại DMZ từng xảy ra các vụ tai nạn do mìn được trang bị dày đặc ở khu vực này. Các binh sĩ có thể đối mặt với nguy cơ thiệt mạng nếu vô tình giẫm phải mìn khi đi tuần tra tại DMZ. Ở phía nam của DMZ là nơi quân Mỹ đồn trú. Do vậy, tình hình an ninh tại khu vực này luôn được đặt trong tình trạng báo động cao.
Các vụ việc diễn ra trong bối cảnh căng thẳng tại bán đảo Triều Tiên leo thang dồn dập trong thời gian qua.
Trong vài tuần trở lại đây, Hàn Quốc cáo buộc Triều Tiên gây nhiễu tín hiệu GPS. Ngoài ra, Triều Tiên cũng thả hàng tấn rác bằng bóng bay sang Hàn Quốc để đáp trả việc các nhà hoạt động của phía Seoul thả truyền đơn chống Bình Nhưỡng qua biên giới 2 nước.
Sau đó, chính phủ Hàn Quốc do Tổng thống Yoon Suk-yeol đứng đầu quyết định đình chỉ thỏa thuận năm 2018. Thỏa thuận này đã hạn chế các cuộc diễn tập quân sự của cả hai bên và dẫn đến việc dỡ bỏ mìn và trạm gác ở biên giới.
Mặt khác, Seoul tuyên bố trong tuần này rằng "tất cả hoạt động quân sự" sẽ tiếp tục tại biên giới đất liền và trên biển của nước này với Triều Tiên.
Trong nhiều năm qua, Triều Tiên nhiều lần chỉ trích Hàn Quốc vì không ngăn chặn các nhà hoạt động thả truyền đơn bằng bóng bay sang phía bên kia biên giới.
VietBF@sưu tập