Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết liên minh này nhận thấy không cần phải sửa đổi học thuyết hạt nhân ở thời điểm hiện tại.
"Không có mối đe dọa nào xảy ra trước mắt. Do đó, NATO nhận thấy không cần phải sửa đổi chiến lược hạt nhân", Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg thông tin trong một cuộc phỏng vấn với tờ Yomiuri Shimbun.
Ông Jens Stoltenberg lưu ý thêm quá trình thay thế hệ thống máy bay chiến đấu của Mỹ dùng để răn đe hạt nhân từ F-16 sang F-35 "vẫn tiếp tục diễn ra như thường lệ". Hôm 16/6, Tổng thư ký NATO cũng tiết lộ liên minh quân sự này đang đàm phán để triển khai thêm vũ khí hạt nhân nhằm cho thế giới thấy kho vũ khí hạt nhân của mình và đưa ra cảnh báo rõ ràng về mối đe dọa ngày càng tăng từ Liên bang Nga và Trung Quốc.
Trong khi đó, hồi cuối tháng 6, điện Kremlin lên tiếng xác nhận Nga đang thay đổi học thuyết hạt nhân do bối cảnh hiện tại đặt ra đối với nước nước. "Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố mọi việc đang được tiến hành để đưa học thuyết hạt nhân phù hợp với thực tế hiện tại", điện Kremlin cho hay.
Học thuyết hạt nhân hiện tại quy định Nga có thể sử dụng loại vũ khí hủy diệt này để đáp trả một cuộc tấn công hạt nhân, hoặc trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công quy ước nhưng gây ra mối đe dọa cho sự sống còn với nước Nga.
Thời gian qua, Nga triển khai một số lượng chưa tiết lộ vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Belarus, nước giáp biên giới với Ukraine và nhiều nước thành viên NATO.
Ngày 17/6, Tổng thư ký NATO tiết lộ khối này đang đàm phán về việc triển khai thêm vũ khí hạt nhân, đưa chúng ra khỏi kho và đặt ở chế độ chờ như một nỗ lực nhằm răn đe các mối đe dọa.
Trong NATO, Anh, Pháp và Mỹ là những nước được công nhận là các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân. Đây cũng là ba nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
NATO cũng duy trì chính sách "chia sẻ ô hạt nhân". Trong đó, các thành viên có vũ khí hạt nhân sẽ triển khai các đầu đạn đến những căn cứ nằm rải rác trên khắp châu Âu.
|