Khi công nghệ số ngày càng xuất hiện nhiều trong công việc và gia đình, phụ nữ có nguy cơ 'quá tải kỹ thuật số' cao hơn nam giới, theo nghiên cứu mới do Đại học Lancaster chủ trì.
Nghiên cứu nhấn mạnh phụ nữ có xu hướng sử dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong cả công việc và cuộc sống gia đình thường xuyên hơn so với nam giới. "Gánh nặng kép kỹ thuật số" giữa gia đình và công việc này làm tăng nguy cơ quá tải kỹ thuật số và kiệt sức đối với phụ nữ.
Nghiên cứu mới, do Giáo sư Yang Hu đến từ Đại học Lancaster dẫn đầu, thực hiện cùng với Giáo sư Yue Qian từ Đại học British Columbia ở Canada, đã xem xét giới tính và lao động kỹ thuật số tại 29 quốc gia. Kết quả được công bố trên tạp chí Community, Work & Family.
Phụ nữ đối mặt nguy cơ "quá tải kỹ thuật số" cao hơn nam giới. Ảnh: Unsplash
Báo cáo giải thích, lao động kỹ thuật số liên quan đến sử dụng hàng loạt công cụ và nền tảng số như Zoom, WhatsApp để hoàn thành công việc hàng ngày và các công việc gia đình. Khi dịch Covid-19 đẩy nhanh quá trình số hóa, mọi người ngày càng dùng nhiều công cụ số hơn để làm việc và giao tiếp.
"Vì việc sử dụng CNTT thường xuyên đòi hỏi thời gian và công sức, nó tạo thành một hình thức lao động mới", Giáo sư Hu nói. "Nghiên cứu của chúng tôi đã kiểm tra sự bất bình đẳng giới trong việc thực hiện lao động kỹ thuật số như vậy”.
Nghiên cứu xuyên quốc gia sử dụng dữ liệu mới nhất từ Khảo sát xã hội châu Âu và nhìn vào cách mọi người duy trì giao tiếp kỹ thuật số cho công việc và gia đình. Họ giới hạn mẫu đối với 6.654 người trả lời, đang có công ăn việc làm và nằm trong độ tuổi 30-59, có ít nhất một con (từ 12 tuổi trở lên) và ít nhất bố hoặc mẹ còn sống.
Theo đó, các tác giả phát hiện một "gánh nặng kép kỹ thuật số" và phụ nữ phải giao tiếp kỹ thuật số ở nơi làm việc và ở nhà cao gấp 1,6 lần so với nam giới. Sự phân công lao động theo giới truyền thống trong công việc và cuộc sống gia đình mở rộng sang cả môi trường số.
"Các nhà hoạch định chính sách, nhà giáo dục và các nhà thực hành đang đầu tư mạnh vào việc xây dựng năng lực kỹ thuật số trên toàn cầu trong nhiều cộng đồng", Giáo sư Hu nói. Tuy nhiên, trong số những người thành thục công nghệ và tại những nước người dân sử dụng Internet nhiều hơn, phụ nữ có thể chịu “gánh nặng kép kỹ thuật số” cao hơn nam giới.
Theo Giáo sư Qian, những phát hiện này thúc giục các nhà hoạch định chính sách, nhà giáo dục và các nhà thực hành cân nhắc đưa bình đẳng giới vào nỗ lực xây dựng năng lực kỹ thuật số. Bước tiến của phụ nữ trong kiến thức số không nên phải trả giá bằng gánh nặng kỹ thuật số nặng nề của họ trong cả công việc và cuộc sống gia đình.
Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra, làm việc thường xuyên tại nhà làm trầm trọng thêm “gánh nặng kép kỹ thuật số” trên vai phụ nữ một cách không cân xứng. Dù làm việc tại nhà mang đến thời gian linh hoạt để sắp xếp công việc và trách nhiệm gia đình, nó cũng trở thành một điểm mới quan trọng về bất bình đẳng giới trong lao động kỹ thuật số.