Gia đình và thư ký của nhà văn Quỳnh Dao hiện đối mặt với nhiều chỉ trích từ dư luận, đặc biệt về trách nhiệm trong việc ngăn chặn bi kịch.
Ngày 4/12, sự ra đi của nhà văn Quỳnh Dao đã gây chấn động dư luận Trung Quốc và Đài Loan. Bà vướng nghi vấn tự kết thúc cuộc đời tại nhà riêng và để lại bức thư tuyệt mệnh công bố vào sáng sớm ngày hôm sau. Trong thư, Quỳnh Dao chia sẻ rằng, bà muốn rời khỏi thân xác đã trở nên đau đớn, mô tả việc ra đi của mình như một sự giải thoát nhẹ nhàng: "Tôi đã thoát được khỏi thân xác đang dần khiến tôi đau đớn, nhẹ nhàng hóa thành bông tuyết rồi bay đi".
Bức thư tuyệt mệnh của bà được không chỉ là lời từ biệt mà còn được cho là thông điệp về việc làm chủ số phận trong giây phút cuối cùng. Bà không muốn trải qua cảnh sống phụ thuộc vào ống thở hay chứng kiến bản thân dần héo úa vì bệnh tật. Tuy vậy, nhà văn Quỳnh Dao cũng nhấn mạnh người trẻ không nên dễ dàng từ bỏ mạng sống, khuyên họ hãy sống đến khi “sức cạn lực kiệt” và hy vọng tương lai sẽ có những phương pháp nhân đạo hơn giúp con người "lá rụng về cội" một cách an lành.
Gia đình và thư ký của nhà văn Quỳnh Dao hiện đối mặt với nhiều chỉ trích từ dư luận, đặc biệt về trách nhiệm trong việc ngăn chặn bi kịch. Theo luật pháp Đài Loan, hành vi hỗ trợ hoặc không ngăn chặn tự tử có thể bị xử phạt, dù án phạt chỉ ở mức hành chính. Luật sư Lưu Chấn Vũ nhận định rằng, thư ký của Quỳnh Dao, người chịu trách nhiệm công bố bức thư tuyệt mệnh, có thể vi phạm luật pháp và đối mặt với mức phạt tối đa 3.000 NDT.
Sự ra đi của nhà văn Quỳnh Dao thu hút sự quan tâm từ dư luận. Ảnh: Sina.
An tử và tự tử: Những khác biệt cần làm rõ
Sự ra đi của nhà văn Quỳnh Dao một lần nữa mở ra cuộc thảo luận về an tử và tự tử tại Đài Loan. Bác sĩ Hứa Thư Hoa, chuyên gia y khoa nổi tiếng cho rằng, dư luận không nên tô hồng hoặc phóng đại ý niệm tự tử là một “cách ra đi nhẹ nhàng”. Theo bà, tự tử không thể được đánh đồng với an tử – một hình thức được thực hiện có tổ chức và hợp pháp tại một số quốc gia như Luxembourg, Bỉ và Hà Lan.
Bác sĩ Hứa Thư Hoa giải thích rằng, an tử chỉ áp dụng cho những bệnh nhân đang chịu đựng nỗi đau không thể cứu chữa và không có phương pháp điều trị y tế nào cải thiện được tình trạng của họ. Việc thực hiện an tử đòi hỏi phải có đánh giá chuyên sâu từ bác sĩ, chuyên gia, đảm bảo bệnh nhân đủ tỉnh táo, không chịu áp lực bên ngoài và sẵn sàng về mặt pháp lý.
Tại Đài Loan, quá trình thúc đẩy hợp pháp hóa an tử vẫn còn nhiều thách thức. Bác sĩ Hứa nhấn mạnh rằng, thay vì cường điệu cái chết tự nguyện, xã hội cần tập trung cải thiện chất lượng sống và hỗ trợ y tế cho bệnh nhân giai đoạn cuối. Bà cũng nhắc lại rằng, an tử là quyền tự quyết chỉ dành cho những tình huống đặc biệt, không thể bị hiểu sai hoặc áp dụng tùy tiện.
VietBf@ sưu tập