Đi ăn mày là một việc làm không phải một người lành lặn, có tự trọng nào mong muốn. Ấy vậy mà một doanh nhân thành đạt, một người có chức vụ, tiền bạc, học vấn tự nhiên lại tình nguyện đi xin ăn...
Chân đất đi xin ăn
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc Thái Hà Books vẫn chưa hết cảm xúc của lần đi xin ăn cách đây gần nửa năm. Ông cho biết, chính bản thân ông cũng không hình dung được có một ngày mình sẽ chân đất, cầm bát đi xin ăn. Cũng nhờ đi ăn xin mà ông đã biết được cảm giác bị đói khổ, biết quý trọng miếng cơm, manh áo mình đang mặc hàng ngày...
Ông Hùng chia sẻ về những ngày đi ăn xin: một trong những trải nghiệm thú vị và đáng nhớ của tôi, một doanh nhân, trong 7 ngày xuất gia làm nhà sư là đi bát, tức khất thực. Bản chất của khất thực là đi ăn xin, đúng theo nghĩa đen của từ này
Đây là cách nuôi thân chân chính do Phật dạy cho các đệ tử hàng xuất gia. Đi khất thực cũng còn gọi là đi bình bát, trì bát hay đi bát. Bát là đồ dùng để chứa đựng các thực phẩm đủ cho một người ăn. Bình bát là loại bình được làm bằng đá, sành, đất nung,…Bình bát không được làm bằng vàng, bạc hay kim loại quý. Bởi lẽ, khi đã phát tâm xuất gia tức là tập hạnh xả bỏ tất cả, xả phú cầu bần, xả thân cầu đạo.
|
Ông Nguyễn Mạnh Hùng trong một lần đi khất thực |
Việc chuẩn bị cho đi bát được hướng dẫn khá chu đáo. Chúng tôi được dạy cách đắp y, chuẩn bị bình bát, cách đi, cách ứng xử trên đường…Bình thường khi ở trong chùa chúng tôi đắp y hở 1 vai. Tuy nhiên theo quy định, khi ra khỏi chùa phải đắp y để cả 2 vai được kín. Lần đầu tiên ra ngoài tôi không tự đắp cho mình được mà phải nhờ 1 vị sư có thâm niên đắp giúp.
Dẫn đầu đoàn khất thực là một sư cao tăng. Năm nay sư đã hơn 80 tuổi. Tôi hiểu rằng sư đã tu tập và có nhiều đức hạnh lớn. Chúng tôi đi theo sư, thứ tự, lần lượt.
Chúng tôi đeo bình bát về trước ngực và chậm rãi hành thiền ra khỏi cổng chùa. Việc quan trọng trong việc đi bát là đi chậm, nhẹ nhàng. Điểm quan trọng là khi đi bát phải đi chân trần. Không được mang dép. Quả thật đi bát là phương cách thiền hành tuyệt vời nhất mà tôi từng trải nghiệm. Đi chân trần trong phố mà đôi chân vốn thường ngày vẫn nằm trong giày tất không hề cảm thấy đau. Chúng tôi bước chậm rãi từng bước từng bước qua từng con phố.
Khi đi bát, chúng tôi không được nhìn ngang, liếc dọc. Tuyệt đối. Tất cả chỉ tập trung vào đường đi, vào từng bước chân của mình. Sau khi có trải nghiệm, tôi hoàn toàn hiểu và nhận thức rõ ràng về việc khất thực của các nhà sư. Rằng việc đi bát cũng là cách thiền rất tốt, rằng cách đi bát đúng mang lại nhiều lợi ích cho các đệ tử của Phật.
|
Đoàn khất thực của "nhà sư" Nguyễn Mạnh Hùng |
Khi đi bát, chúng tôi không nhìn vào các phật tử, những người đến để cúng dàng. Tại sao lại như vậy? Để không còn phân biệt. Nếu nhìn vào người cúng dàng, nhìn vào đồ ăn, vật thực, nhà sư dễ sinh ra sự so sánh, phân biệt. Đã là cúng dàng thì cái gì sư cũng nhận và ai cũng đáng trân trọng như nhau. Giàu nghèo, sang hèn, già trẻ đều là quý.
Chúng tôi đi khất thực từ sáng sớm. Theo quy định buổi khất thực phải chấm dứt trước giờ ngọ. Chúng tôi chỉ đi mà không được đứng tại chỗ. Chỉ khi nào có Phật tử ra cúng dàng mới dừng lại để nhận vật cúng dàng. Chúng tôi đi chậm trên con phố, lần lượt thứ tự, từ nhà này sang nhà khác, không phân biệt. Không bỏ sót nhà nào.
Một điểm quan trọng nữa là các phật tử chỉ cúng dàng những thức ăn đã được nấu chín, không cúng dàng các đồ còn sống. Trên thực tế của việc đi khất thực tôi nhận được không chỉ đồ ăn, bánh, kẹo, dầu ăn, … mà còn có cả tiền.
Có một điều mà không phải ai cũng biết là các nhà sư luôn coi việc ăn uống chỉ để duy trì sự sống để tu hành. Đã là vậy thì không phân biệt ngon hay không ngon. Và mỗi nhà sư luôn biết ơn những người đã cúng dàng để mình có bữa ăn, để có sức khỏe, để tu tập và hoằng pháp cho tốt.
Trân trọng cuộc sống hơn sau khi đi... ăn xin
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Mạnh Hùng, việc đi ăn xin của ông diễn ra trong khoảng tháng 7/2010, trong giai đoạn ông đi tu 7 ngày. Bổ ích nhất của việc đi khất thực trong 1 tuần xuất gia "cho tôi rất nhiều bài học, dạy cho tôi bao điều hay lẽ phải. Tôi đã biết sống giản dị hơn, tiết kiệm hơn nữa. Tôi không còn biết chê đồ ăn. Vì đã đi khất thực, tức ai cho gì ăn nấy, không phân biệt thức ăn tốt xấu, ngon dở. Tôi cũng càng trân trọng công lao của người lao động, những người làm ra hạt lúa, cọng rau, tấm lòng của những người con Phật", ông Hùng nói.
Cũng nhờ đi khất thực tôi đã biết quý thời gian hơn nữa, biết làm thêm nhiều việc thiện hơn, biết tu tập mỗi ngày mỗi giờ để mình sống tốt hơn, ý nghĩa hơn. Tôi cũng mong sao mỗi chúng ta đều biết tu thân, tu tâm để xã hội ngày thêm đẹp.
Lời bạt
Trong cuộc sống, để sinh nhai mỗi người phải tự chọn con đường đi riêng của bản thân. Trong quá trình đó, mỗi người lại tự nghiệm ra lý tưởng sống riêng của bản thân mình. Đi ăn xin, ăn mày chắc chắn không phải là lựa chọn của những người có trí tuệ, có sức khỏe, lành lặn và tự trọng. Bởi niềm hạnh phúc lớn lao của mỗi con người là lao động để rèn luyện tay nghề, tư chất... Nhưng, cũng có những cuộc đi ăn xin giúp một số người mở mang thêm về mặt trí tuệ và có nhận thức rõ nét hơn về mục đích sống của cuộc đời, biết trân trọng chính bản thân mình để làm nhiều việc có ích cho xã hội...
Nguyễn Mạnh Hùng- Chủ tịch HĐQT, GĐ Thái Hà Books