Không thể gây áp lực với các bên liên quan trong rối loạn ở Bahrain và lo ngại tình hình xấu hơn, Mỹ kêu gọi công dân của mình về nước.
Mỹ cũng thúc giục Bahrain, Saudi Arabia và các bên liên quan kiềm chế. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích nhận định, việc tình hình căng thẳng cho thấy sức ảnh hưởng của Mỹ trong vấn đề này khá hạn chế nên việc Washington có kêu gọi cũng không mấy tác dụng.
Có lẽ Mỹ cũng nhận biết được điều này nên đồng thời với việc kêu gọi kiềm chế, Nhà Trắng cũng vừa kêu gọi công dân của mình rút khỏi hòn đảo Bahrain, nơi người Hồi giáo dòng Shiite đang nổi dậy chống lại nhà cầm quyền theo dòng Hồi giáo Sunni.
Trong khi đó, một nước lớn ở Trung Đông là Iran cũng vừa lên án binh lính Saudi Arabia tiến vào Bahrain, coi đây là hành động không chấp nhận được.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Ramin Mehmanparast tuyên bố:”Sự hiện diện của các lực lượng nước ngoài can thiệp vào nội bộ Bahrain là không thể chấp nhận và sẽ làm tình hình thêm phức tạp”.
Mỹ không có ảnh hưởng quyết định trong rối loạn ở Bahrain.
Không giống như nhiều nước trong vùng Vịnh (người Sunni chiếm đa số), Bahrain là quốc gia Hồi giáo do người dòng Shiite chiếm đa số (70% dân số) nhưng lại không nắm quyền điều hành đất nước.
Do đó, từ lâu xảy ra cuộc chiến giữa các phe phái với mức độ ngày càng tăng. Tới nay, Bahrain rơi vào trong tình trạng tồi tệ nhất từ những năm 1990. Hiện phe đối lập (bắt chước các cuộc biểu tình ở Tunisia và Ai Cập) liên tục xuống đường biểu tình phản đối Chính phủ.
Đơn cử như tối qua, cả phe Shiite lẫn Sunni đều cáo buộc lẫn nhau rằng đối phương tấn công mình bằng gậy, dao, đá…
Tình hình rối loạn tới mức nhiều ĐH và trường học phải đóng cửa nhằm tránh đổ máu ngay trong trường.
Lo ngại chính quyền Bahrain không kiểm soát được phe nổi dậy, để tình hình rối loạn và tác động tiêu cực đến chính Saudi Arabia, nước này hôm qua dẫn đầu lực lượng quân sự của Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (khoảng 1.000 quân) tiến vào Bahrain với tuyên bố nhằm giúp chính quyền ổn định an ninh.
Huy Hoàng (theo Reuters, Foreign Policy)