HÀ NỘI (NV) - Một số lời hô hào mọi người đi biểu tình ngày Chủ Nhật, 17 tháng 7, chống Trung Quốc bá quyền bành trướng được phổ biến dây chuyền qua một số blogs và trang mạng thông tin điện tử.
Tấm hình này chụp lại từ một video clip phổ biến trên youtube cho thấy một người thanh niên tham dự cuộc biểu tình chống Trung Quốc ngày Chủ Nhật trước, 10 tháng 7, 2011, đã bị công an CSVN ngăn chặn và bắt về trụ sở. Cuộc biểu tình này bất thành vì lực lượng công an cảnh sát cả sắc phục và thường phục quá đông đảo nên đã phá vỡ ngay từ đầu cuộc biểu tình của những người yêu nước. (Hình: AP)
Một trong những lời hô hào đó thấy trên trang thông tin cá nhân của ông Nguyễn Xuân Diện. Ông đưa ra một thông báo với ý kiến của các nhân sĩ trí thức:
“Việc thanh niên, sinh viên, trí thức và đông đảo nhân dân Việt Nam ở trong và ngoài nước tham gia biểu tình yêu nước là biểu hiện tình cảm trong sáng, cao quý, linh thiêng và đầy trách nhiệm đối với Tổ quốc. Các cuộc biểu tình tại Hà Nội vừa qua cho thấy không một ai, cơ quan hay tổ chức nào trong và ngoài Việt Nam có thể xuyên tạc, bóp méo, lợi dụng hay dập tắt được các cuộc biểu tình chính nghĩa này.”
Theo thông báo này, tại Việt Nam, không có văn bản pháp luật nào cấm biểu tình “vì nếu có thì chính văn bản pháp luật đó là vi hiến.”
Chủ Nhật tuần trước, cuộc biểu tình ở gần tòa Ðại Sứ Trung Quốc ở đường Hoàng Diệu, Hà Nội, đã bị một lực lượng đông đảo công an phá vỡ ngay từ khi mới có một nhóm nhỏ người tụ tập. Khoảng 10 người đã bị bắt giữ gồm một số người làm cho các công ty truyền thông ngoại quốc, bà Nguyễn Thị Huyền Trang, ông Ngô Duy Quyền.
Bà Trang là vợ ông Phạm Văn Trội, một người đấu tranh dân chủ đang bị tù với bản án 5 năm. Ông Quyền là chồng nữ Luật Sư Lê Thị Công Nhân từng bị kết án tù 3 năm cũng vì đòi dân chủ hóa đất nước.
Lời kêu gọi đi biểu tình vào ngày Chủ Nhật tới đây nói rằng: “Mấy ngày qua các ngư dân Quảng Ngãi vừa bị tàu quân sự Trung Quốc điều lính có trang bị tiểu liên và dùi cui xông lên tàu đánh đập ngư dân Việt Nam, cướp tài sản và xua đuổi ngư dân khi đang đánh bắt cá trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam.”
Ðể bày tỏ lòng yêu nước, “trước tình hình nghiêm trọng đó, giới nhân sĩ trí thức sẽ cùng đồng bào xuống đường biểu tình phản đối nhà cầm quyền Trung Quốc liên tục có những hành động gây hấn, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam trên Biển Ðông.”
Ngày 10 tháng 7, bản bản kiến nghị với 20 chữ ký của nhân sĩ trí thức đòi đảng và chế độ Hà Nội thi hành 5 điểm:
- Công bố thực trạng quan hệ Việt-Trung.
- Trình bày cho dân rõ thực trạng đất nước.
- Trả lại đầy đủ các quyền tự do dân chủ cho người dân.
- Kêu gọi toàn dân đoàn kết, hòa hợp hòa giải.
- Ðảng CS phải đặt quyền lợi quốc gia dân tộc lên trên hết.
Hiện nay chưa có dấu hiệu chắc chắn liệu cuộc biểu tình ngày Chủ Nhật, 17 tháng 7, có bị dẹp nhanh chóng như Chủ Nhật tuần trước hay không. Ngày 25 tháng 6, Hồ Xuân Sơn, thứ trưởng Ngoại Giao Việt Nam ký một bản thông cáo báo chí chung với Thứ Trưởng Ngoại Giao Trung Quốc Trương Chí Quân cam kết “tăng cường định hướng đúng đắn dư luận...” tức là ngăn chặn tất cả các cuộc biểu tình chống Bắc Kinh của người dân Việt Nam.
Như những vụ ngăn chặn người dân, nhất là những người nổi tiếng, tham dự các cuộc biểu tình hay hội họp, gặp mặt, nhà cầm quyền Việt Nam thường xuyên cho công an tới tận nhà canh giữ hoặc bắt tới ngồi ở trụ sở công an.
Chỉ có cuộc biểu tình ngày Chủ Nhật, 5 tháng 6, là có nhiều ngàn người tham dự ở cả Hà Nội và Sài Gòn. Những Chủ Nhật sau thì công an canh giữ, ngăn chặn và đe dọa ráo riết nên số lượng người tham gia không còn đông nữa.
theo nv