Những người giàu thường có xu hướng ít có sự đồng cảm hơn so với những người nghèo, theo nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc trường Đại học California (Mỹ).
Người thành đạt và giàu có thường lơ đãng trong các cuộc nói chuyện. Ảnh: Alamy
Tiến sĩ tâm lý học Dacher Keltner và các cộng sự phát hiện, những người giàu có thường bị tự ám ảnh và chỉ lo lắng về riêng bản thân họ. Những người này ít đồng cảm và vị tha, thay vào đó là tính ích kỷ.
“Chúng tôi đã tiến hành 12 nghiên cứu riêng biệt để kiểm tra mức độ đồng cảm và ứng xử xã hội ở nhiều góc độ khác nhau. Kết quả, chúng tôi nhận thấy, những người ở tầng lớp thấp thường đồng cảm và vị tha hơn so với những người ở tầng lớp cao hơn”, tiến sĩ Dacher Keltner cho biết trên tờ Daily Mail.
Nhóm nghiên cứu đã tiến hành ghi hình lại các cuộc nói chuyện của nhiều nhóm người khác nhau. Sau khi phân tích những đoạn video này, họ thấy rằng, những người giàu có thường hay lơ đãng, kiểm tra điện thoại di động và tránh nhìn trực diện với người họ đang nói chuyện.
Trong khi đó, những người có thu nhập thấp thường nhìn thẳng vào mặt người họ đang nói chuyện và thường gật đầu trong khi lắng nghe người đối diện nói. Những cử chỉ này thể hiện họ đang tỏ ra quan tâm tới câu chuyện của người đối diện.
Trong một nghiên cứu khác, các nhà khoa học đã thử phản ứng của những người giàu và những người thu nhập thấp khi chứng kiến các bức ảnh về trẻ em chết đói ở châu Phi. Một thiết bị cảm ứng được gắn vào ngực của những người tình nguyện để đo phản ứng của dây thần kinh phế vị - giúp não nhận và đưa ra cảm xúc về hình ảnh. Kết quả cho thấy, những người có mức thu nhập thấp có phản ứng cảm xúc mạnh hơn.
Nguyên nhân sự khác biệt về các yếu tố cảm xúc giữa những người giàu và những người thu nhập thấp được tiến sĩ Keltner lý giải là sự giàu có, trình độ văn hóa cao và một vị trí cao trong xã hội giúp những người giàu có cảm thấy thoải mái để chỉ lo lắng về bản thân họ.
Hà Hương/VNN