QH là cơ quan lập pháp nhưng cách làm của chúng ta lâu nay vẫn là thụ động, chủ yếu là Chính phủ đề xuất, trình dự luật gì thì QH bàn cái ấy.
Thảo luận tại tổ vào tuần trước, khá nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) băn khoăn về việc dự thảo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH khóa XIII dễ dãi đưa vào những dự án luật không cần thiết, chưa phải là nhu cầu bức thiết như Luật Nhà văn, Luật Thư viện. Trong khi đó nhiều luật liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân như Luật Hội, Luật Tiếp cận thông tin, Luật Biểu tình lại chỉ đưa vào chương trình dự bị.
Pháp Luật TP.HCM trao đổi với ông Lê Minh Thông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH (ảnh) - cơ quan tham mưu giúp Ủy ban Thường vụ QH (UBTVQH) lập dự thảo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH, về vấn đề này.
Cũng đã có phần chủ động
. Nhiệm kỳ QH này có nhiệm vụ quan trọng là sửa Hiến pháp 1992. Vậy dự thảo chương trình lập pháp cân nhắc yếu tố này thế nào?
+ Sửa hiến pháp là một quá trình mà lúc này chưa thể biết là sẽ sửa những nội dung nào, ra sao. Nhưng chắc chắn, việc sửa đổi ấy sẽ dẫn tới việc phải sửa đổi hoặc ban hành mới các văn bản pháp luật liên quan.
Tuy nhiên, trên cơ sở Nghị quyết Đại hội XI, Cương lĩnh sửa đổi, Nghị quyết Trung ương 2 và các nghiên cứu đã triển khai, Chính phủ, TAND Tối cao, VKSND Tối cao, các cơ quan của QH có đề xuất sửa khá nhiều luật. Như trong dự thảo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, các dự án này chủ yếu thuộc nhóm luật về tổ chức bộ máy.
. Nhiều chuyên gia cho rằng bên cạnh mảng tổ chức quyền lực nhà nước, lần sửa hiến pháp này cần chú trọng các nội dung về quyền con người, quyền - nghĩa vụ công dân. Tuy nhiên, nhìn dự thảo thì thấy các luật về nội dung thứ hai này ít được đề cập?
+ Bây giờ thì chúng ta chưa biết Hiến pháp 1992 sẽ được sửa thế nào. Mới chỉ có thể khá chắc là sẽ liên quan đến mảng tổ chức bộ máy. Chúng ta còn phải tổng kết Hiến pháp 1992, đánh giá thực tiễn, nhu cầu, nhiệm vụ của hiến pháp, rồi mới có đề xuất cụ thể. Cho nên mấy cái đó phải đợi.
Tuy nhiên, một số dự án luật thuộc nhóm này như Luật Lập hội (hay Luật Hội), Luật Biểu tình, Luật Tiếp cận thông tin, Luật Trưng cầu dân ý đã được đưa vào chương trình chuẩn bị của QH khóa XIII. Như vậy là cũng có phần chủ động.
Các đại biểu Quốc hội đang thảo luận tại tổ về các dự án luật ngày 4-11. Ảnh: TTXVN
Làm luật theo thứ tự ưu tiên
. Nhưng những luật nêu trên lại đặt trong chương trình chuẩn bị, cùng hàng với Luật Nhà văn. Chưa kể Luật Hội, Luật Trưng cầu dân ý thì đã bị treo ở khâu “chuẩn bị” mấy nhiệm kỳ rồi?
+ Thời gian và nguồn lực cho công tác lập pháp là giới hạn. Không thể kỳ vọng một nhiệm kỳ QH có thể hoàn thiện tất cả văn bản luật cần thiết cho cuộc sống. Vì thế, chương trình xây dựng luật, pháp lệnh phải có trọng tâm, ưu tiên cho những gì cần thiết nhất. Ví dụ, việc cấp bách hiện nay là tái cơ cấu nền kinh tế, hoàn thiện một bước nhà nước pháp quyền XHCN. Đi theo những thứ ấy là phải sửa các luật về tổ chức bộ máy. QH phải xác định được thứ tự ưu tiên ấy.
Với lại, xếp vào chuẩn bị hay chính thức chỉ là tương đối thôi. Trong quá trình lập pháp, nếu thấy dự án luật nào đã chuẩn bị kỹ, đủ điều kiện chín muồi thì QH có thể điều chỉnh, đưa vào để thông qua. Ngược lại, dự luật ở chương trình chính thức mà chuẩn bị không tốt cũng có thể bị đưa ra.
. Vậy thì có lẽ mấy dự án luật về quyền cơ bản của công dân ấy sẽ phải đợi tới khóa sau, trong khi cử tri đang rất mong mỏi. Ủy ban Pháp luật cân nhắc điều ấy thế nào?
+ Tôi chia sẻ! Ủy ban cũng đã cân nhắc điều ấy. Nhưng phải thông cảm thôi, ngày có 24 giờ, QH cả khóa có 10 kỳ họp, không thể giải quyết hết được. Hãy để ĐBQH có ý kiến, chúng ta lắng nghe và cuối cùng chờ đại biểu bấm nút.
. Xin cảm ơn ông.
ĐBQH DƯƠNG TRUNG QUỐC:
Cách làm của QH vẫn là thụ động
QH là cơ quan lập pháp nhưng cách làm của chúng ta lâu nay vẫn là thụ động, chủ yếu là Chính phủ đề xuất, trình dự luật gì thì QH bàn cái ấy. Mặc dù gần đây nhiều ý kiến mong muốn các tổ chức xã hội nghề nghiệp, cá nhân ĐBQH sáng kiến lập pháp nhưng thực tiễn, dự án luật mà QH làm vẫn xuất phát từ chuẩn bị của Chính phủ. Đấy là bàn những gì có, chứ chưa phải chủ động do QH đặt hàng, lên chương trình. Chuyện Luật Nhà văn cũng thế thôi. Đề xuất từ một ĐBQH, thế là đưa vào dự thảo chương trình lập pháp trình QH mà không đánh giá trước xem có thực sự cần thiết, đã chuẩn bị đến đâu.
Cũng có ý kiến là dự thảo chương trình lập pháp khóa này chưa quan tâm thích đáng đến những dự án luật về quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân. Nhưng nói thực cũng khó, vì ưu tiên làm gì trước, là từ nhu cầu của nhà chính trị. Vấn đề đặt ra là QH phải chủ động hơn, để thứ tự ưu tiên ấy phải do chính QH chuẩn bị, quyết định, chứ không thụ động chờ Chính phủ. Hành pháp mà kiến nghị lập pháp thì đương nhiên họ ưu tiên hơn những luật phục vụ cho việc điều hành, quản lý của Chính phủ, còn những luật khác xếp hàng sau.
QH phải đưa ra yêu cầu về lập pháp và Chính phủ phải đáp ứng yêu cầu ấy, chứ không chỉ lựa chọn những gì Chính phủ đưa ra. Chẳng hạn, thấy Luật Biểu tình là cần thiết, thì QH ra yêu cầu, thời hạn cụ thể, giao cho chủ thể nào đó chuẩn bị dự thảo, báo cáo…
NGHĨA NHÂN thực hiện
PL