“Cá vô đó, chuẩn bị lao, phóng mạnh!”. Đó là những âm thanh quen thuộc đối với ngư dân chuyên đi săn cá mập ở Hoàng Sa, Trường Sa.
Kỳ 1: Róc hàm cá mập
Xuôi ngược liên tục giữa quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa như đi chợ. Chọn vùng biển nhiều cá mập nhất thì dừng lại buông câu, chuẩn bị vũ khí để săn cá. Đó là chân dung những ngư dân hành nghề săn cá mập lão luyện ở Quảng Ngãi.
Nghênh chiến
Nếu ngư dân hành nghề đánh lưới, họ hì hục kéo lưới rồi xúc cá đổ xuống hầm. Nhưng với ngư dân hành nghề săn cá mập, cá dính câu chưa phải là đã kết thúc công việc. Cá và ngư dân bắt đầu chơi trò vờn nhau và kéo co. Cá mập vốn là chúa tể đại dương vì có những cú đớp mồi kinh người. Kéo cá vô gần tàu, ngư dân phải tìm cách ra đòn, hạ gục, lơ tơ mơ coi chừng bị chúng đớp một phát là tiêu đời.
“Một, hai, ba... kéo!”. Khi kéo cá mập, tám ngư dân đôi khi bị con cá khổng lồ kéo muốn lộn xuống biển. Khi cá vô gần tàu, ngư dân phải dùng vũ khí hạ gục con cá dữ thì mới có thể đưa lên tàu. Anh Thành, một ngư dân đi câu giơ đôi bàn tay đã hóa thành một lớp sừng vì kéo cá mập. Anh Thành kể đã từng có ngư dân sẩy chân rớt xuống biển và bị cá mập kéo đi. Có nhiều con cá sắp hất xuống hầm tàu thì vùng lên quật ngư dân văng xuống nước.
Lưỡi lao săn cá mập.
Ra khơi, cứ 15 giờ chiều, ngư dân ném giàn câu 1.000-1.500 lưỡi xuống vùng biển nhiều cá mập. Giàn câu dài hơn 20 km. Mồi câu là cá chuồn hoặc cá ngừ. Có ngư dân còn cho rằng đổ thêm chút huyết bò xuống biển là bầy cá mập lập tức quần tới với chiếc miệng há to. Cá mập vốn là loài cá đánh mùi máu cực kỳ nhạy. Các nhà nghiên cứu đã so sánh một giọt máu nhỏ xuống bể bơi lớn cũng đủ kích thích bầy cá mập lao đến quần đảo và săn mồi.
Cá mập có năm nắp mang. Khi di chuyển thì nước lùa vào mang để lấy oxy. Chính vì vậy khi mắc câu, cá mập vừa di chuyển để thở, vừa tìm cách tẩu thoát. Vậy là sợi dây câu luôn căng như dây đàn. Thuyền trưởng cầm lái phải luôn canh máy. Khi thấy anh em kéo câu sắp thua cá mập thì nổ máy cho tàu chạy nương theo. Nếu không, sợi dây cước to bằng nửa ngón út kia cũng sẽ bị cá mập kéo đứt phăng. Có con cá mập tinh quái lao vào gầm tàu và trốn thoát khi cánh quạt chém đứt dây cước.
“Thần chết áo trắng”
Trên con tàu mang số QNG 97319 TS, công suất 160 CV, ngư dân Lê Muội (44 tuổi) chuẩn bị vũ khí để ra khơi chinh chiến với cá mập. Soạt! Thò tay vào khoang máy, ông Muội rút ra mấy cây lao bằng inox sáng lóa. Trên đầu cây lao gắn một mũi nhọn hoắt buộc vào sợi dây thép.
Cây lao là vũ khí để đánh xa, còn vũ khí đánh gần gồm: vồ, móc, dao phay. Khi con cá mập há ngoác miệng với 350 chiếc răng sắc như lưỡi cưa, các ngư dân lập tức lia dao róc bớt những chiếc răng nhọn đang phà ra hơi thở tanh ngòm. Giơ một chiếc vồ nặng hàng chục kilogam và chùm vũ khí săn cá, một ngư dân tươi cười nói: “Đi săn cá mập mà lỡ gặp cướp biển thì chưa chắc nó dám tấn công mình”.
Săn cá mập lấy vi.
Trên đại dương có 300 loại cá mập, trong đó có khoảng 30 loại cá mập hung dữ tấn công người. Một loại cá mập được ví vào hàng sát thủ, đó là cá mập trắng. Đây là loài cá có biệt danh là “thần chết áo trắng”. Cá mập trắng dài từ 5m đến 11 m, nặng từ 600 kg đến 3.200 kg. Ngư dân nước ngoài đi săn cá mập trên những con tàu lớn và an toàn cùng đầy đủ phương tiện, dụng cụ hiện đại. Nếu nhìn thấy ngư dân Việt Nam đi câu cá mập trên những con tàu nhỏ bé với phương tiện, công cụ chỉ có vậy, có lẽ họ sẽ lè lưỡi và lắc đầu.
Kể chuyện săn cá mập, các ngư dân nhớ lại cách đây năm năm về trước, xóm đánh cá mập ở Nghĩa An (huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) ra khơi trên con tàu nhỏ xíu. Đôi khi một con cá mập voi đã to gần bằng chiếc tàu. Giờ thì tàu công suất lớn hơn một chút. Và trong những chuyến đi câu, ngư dân nhiều lần chạm mặt với cá mập trắng. Khi chộp được con mồi, cá mập trắng thường lắc đầu thật mạnh để xé toang khối thịt bằng bộ răng cưa, sau đó nó nuốt con mồi và những chiếc răng gãy vào bụng. “Ngư dân kéo câu bị rơi xuống nước, đúng lúc xuất hiện cá mập trắng thì coi như tận số” - ngư dân Bùi Vui cho biết.
Đi câu, nắm được đặc tính của cá mập, thuyền trưởng Trần Mươi đúc kết: “Cá mập thường đi thành từng đàn nhưng cá mập trắng là con rất hung dữ nên thường tách ra đi trước đàn để bắt mồi, bởi vì nó là chúa tể”. Mổ bụng cá mập trắng, thường gặp lốp xe ô tô, dây cáp, can nhựa, đôi khi có cả chân, tay người. Ngư dân yếu vía gặp cảnh này thường nhảy dựng lên vì khiếp đảm.
Lọt vào hang ổ cá mập
Đánh cá mập, ngư dân thường tuyệt đối giữ bí mật những điểm đỏ trên máy định vị. Đội tàu nào cũng có riêng bí mật của mình. Theo các ngư dân lão luyện, cá mập thường sống dưới các rạng ngầm để săn cá con. Mỗi khi trời nổi giông bão, cá mập lại nổi lên mặt nước đi săn cá nổi. Đó là lúc ngư dân câu cá mập được mùa. Còn vào mùa êm, cá mập kéo cả đàn đi theo các dòng chảy để kiếm mồi. Lọt vào vùng biển này, các ngư dân mang vũ khí ra và bắt đầu cho cuộc săn.
Năm 2011, làng chài Nghĩa An xôn xao bởi tàu cá của ngư dân Cao Văn Trung mở biển đầu năm đã trúng đậm cá mập. Ăn tết xong, ông Trung cho tàu chạy thẳng ra điểm đỏ. Tung 1.500 lưỡi câu xuống biển, chiều tối kéo lên, các ngư dân trố mắt kinh ngạc bởi cá mập dính câu cả trăm con. Những con cá mập khổng lồ, các ngư dân phải dùng sà lan 3,5 tấn kéo lên. Kéo từ tối đến sáng vẫn không hết cá. Cá nhiều đến mức các ngư dân phải mất trọn hai ngày mới kéo hết cá lên tàu và chạy thẳng về bờ.
Cá mập khủng vào bờ.
Ông Trung trở thành ngư dân mang biệt danh “câu một phát, trúng một tỉ tư”. Trước ông Trung một phiên, ngư dân Cao Tận cũng làm cho làng chài một phen lóa mắt khi đánh một quả câu kiếm được 800 triệu đồng. Ngư dân trong bờ đồn thổi anh em họ hàng nhà ông đã nắm được hang ổ cá mập. Có người còn cho rằng tàu của hai ngư dân đã đi đúng luồng cá sát thủ Indianapolis.
Ở biển Đông, câu chuyện về đàn cá mập đã xơi tái đoàn thủy thủ trên chiến hạm Indianapolis không xa lạ gì với mọi người. Trong những chuyến xuôi ngược trên đại dương, các ngư dân từng lọt vào vùng biển được ví là hang của cá mập vốn tập trung ở vùng biển của Philippines. Tại vùng biển này, hơn 65 năm trước, chiến hạm Indianapolis của Hoa Kỳ chở 1.196 thủy thủ lên đường đến Leyte - Philippines để đánh đòn hạt nhân vào Nhật Bản nhằm kết thúc chiến tranh. Thế nhưng con tàu này đã bị bắn chìm và rơi đúng hang ổ cá mập. Những nhân chứng sống sót sau này kể lại: “Những con cá mập kéo đến với ánh mắt lừ đừ như kẻ buồn ngủ. Thỉnh thoảng chúng bất thần lao vút tới và đớp ngang từng người lắc mạnh rồi kéo xuống biển sâu”. Khoảng 600 thủy thủ đã bị chết trong vòng bốn ngày vì bị cá mập tấn công.
Theo Pháp luật TP HCM