Người ta không thể không rung động khi chứng kiến những hiện tượng kỳ lạ của thiên nhiên đã được ghi lại. Đó quả là những cảnh tượng khó quên. Một vẻ đẹp thiên nhiên tuyệt vời.
1. Những đợt sóng điện
Cảnh tượng thật giống như trong thế giới của một bộ phim viễn tưởng với mặt biển sáng rực cùng những thứ giống như tia lửa điện hiện lên theo từng đợt sóng biển nhẹ. Thực chất đây chỉ là đám sinh vật phát quang và đó là kết quả của một khối lớn các sinh vật phù du bị sóng cuốn vào bờ.
Trong bức ảnh này không hề có một hiệu ứng nào do máy tính xử lý. Tất cả đều là hình thật, bạn sẽ thấy cảnh y hệt khi đứng trên bãi biển đó. Khi sóng đánh vào bờ, những đám sinh vật phát quang này làm cho những con sóng trở nên vô cùng sống động. Bản chất của những sinh vật này không gây hại cho con người vì thế nếu bạn có cơ hội ở bãi biển và chứng kiến hiện tượng này xảy ra, bạn hoàn toàn có thể thoải mái chơi đùa với những đợt sóng điện này.
2. Hoa băng
Những bông hoa tuyết này là những cảnh có thật tại các vùng biển tại Nam và Bắc Cực. Chúng được hình thành từ những điểm không hoàn hảo trong cấu trúc bề mặt lớp băng. Các điểm này bắt đầu một chuỗi phản ứng dây chuyền kì thú. Các ống tuyết rỗng phát triển từ các vị trí trên, liên tục hấp thụ hơi ẩm và các mảnh băng khác vào cấu trúc của chúng. Quá trình này diễn ra liên tục lặp đi lặp lại cho đến khi chúng đủ lớn để hình thành nên những bông hoa tuyết như chúng ta thấy.
3. Ống khói tuyết
Trông có vẻ như người ta đã tìm thấy ống khói của người khổng lồ tại Nam cực. Nếu là người lần đầu thấy tận mắt những ống khói này, chắc chắn bạn sẽ không khỏi thắc mắc về nguồn gốc của chúng. Tuy nhiên, đó chỉ là những mạch phun khí bị đóng băng.
Các mạch phun khí là những đường nứt từ lòng đất, từ đó hơi nước từ các núi lửa thoát ra bên ngoài. Ở vùng địa cực, cũng có núi lửa và đi kèm với đó là các mạch phun khí. Tuy nhiên, nhiệt độ ở đó lạnh đến mức các phân tử nước đóng băng ngay lập tức khi tiếp xúc với không khí bên ngoài. Quá trình này diễn ra cho tới khi chúng trở thành những ống khói tuyết cao tới 20m tỏa hơi nước ra xung quanh.
4. Cầu vồng ban đêm
Ngay khi nhìn tấm ảnh này, bạn sẽ cho rằng đó là một bức ảnh đã được xử lý qua Photoshop. Một chiếc cầu vồng hiện ra giữa bầu trời tối kịt. Tuy nhiên, đây là một bức ảnh thật về hiện tượng cầu vồng ban đêm. Bản chất của cầu vồng này giống hệt những cầu vồng bạn từng biết, nhưng thay vì phản chiếu ánh mặt trời thì chúng phản chiếu ánh mặt trăng.
Hiện tượng này diễn ra khá thường xuyên nhưng lại ít người biết đến vì chúng khá mờ nhạt và người ta thường chỉ thấy một đường kẻ mờ nhạt trên bầu trời. Nhưng nếu có các điều kiện thuận lợi thì chúng có thể được quan sát một cách rõ ràng.
5. Những khối tuyết biết lăn
Cái tên tự nói lên tất cả. Để những khói tuyết này hình thành cần rất nhiều điều kiện thuận lợi. Trong đó bao gồm một lớp băng trên mặt đất để tuyết không bị bám dính. Lớp băng này phải được bao phủ bởi lớp tuyết ướt và tách rời nhau, ở nhiệt độ gần nhiệt độ tan chảy của băng. Ngoài ra, gió phải đủ mạnh để thổi những khối tuyết này lăn đi nhưng không quá mạnh để phá tan chúng. Cuối cùng, mặt đất phải có độ nghiêng để chúng có thể bắt đầu lăn.
6. Cầu vồng lửa
Những đám mây ở độ cao lớn đôi khi chứa một lượng không nhỏ các tinh thể băng, và nếu được ánh mặt trời chiếu sáng ở đúng góc độ (ít nhất 58 độ so với mặt đất) thì ta sẽ có những đám mây đầy màu sắc thậm chí có lúc nhìn giống như những cầu vồng bốc lửa trên bầu trời vậy.
7. Băng nhũ
Những khối băng nhũ này cũng giống những khối thạch nhũ ta thường thấy, nhưng thay vì là nước chứa chất khoáng thì chúng ta có nước muối đậm đặc. Những khối băng nhũ này có thể coi là ngón tay thần chết với các sinh vật biển vì khi nó sẽ đóng băng ngay lập tức bất kì sinh vật xấu số nào bị nó chạm phải.
Các khối băng nhũ này hình thành khi các khối băng biển mới hình thành tạo ra những khối nước muối đậm đặc hơn nước biển thường. Sau đó, khi lượng nước này chìm dần xuống đáy biển, nước biển xung quanh lập tức đóng băng, tạo ra các khối nhũ băng (do nhiệt độ đóng băng của nước biển cao hơn loại nước muối đậm đặc kia). Và khi khối nhũ chạm đáy biển, nó phát triển ra vùng đáy biển xung quanh, tiêu diệt mọi loại sinh vật trên đường đi của mình.
Theo Dân Trí