Sự thiếu thống nhất trong FED cũng như các chuyên gia kinh tế về vấn đề cắt giảm QE một lần nữa cho thấy cắt giảm QE là vấn đề mang tính nhạy cảm cao và không thể giải quyết bằng một nhát cắt.
Khi thiết kế chính sách nới lỏng định lượng lần thứ 3, FED đưa ra hai điều kiện cho việc rút QE. Một là tỉ lệ thất nghiệp giảm xuống dưới mức 6,5%. Hai là tỉ lệ lạm phát tăng lên trên 2,5%. Hiện nay, tỉ lệ thất nghiệp ở Mỹ vẫn giữ ở mức 7,5% và tỉ lệ lạm phát là 1,1%, vẫn còn cách xa so với điều kiện rút QE toàn diện của FED.
Theo ông Hoàng Minh Phát, Phó Tổng Giám đốc bộ phận thị trường vốn của Ngân hàng DBS (Hong Kong), căn cứ vào tốc độ tạo việc làm như hiện nay thì 20 tháng nữa, Mỹ mới đạt được mục tiêu hạ tỉ lệ thất nghiệp thỏa mãn điều kiện rút QE.
Giáo sư Đại học Columbia Joseph Stiglitz cũng cho rằng còn quá sớm để FED cắt giảm QE vì nền kinh tế Mỹ rõ ràng chưa trở lại trạng thái cân bằng. Trong một phát biểu được tờ Tin tức Thế giới trích dẫn, vị chủ nhân của Giải Nobel Kinh tế 2001 nói QE là biện pháp kích thích kinh tế duy nhất của Mỹ, hơn nữa, hiệu quả đạt được tới nay rất hữu hạn, nếu ngộ nhận mà rút đi vào thời điểm này quả thật là một sai lầm lớn. Đối với Chủ tịch FED ở Atlanta Dennis Lockhart, các dữ liệu kinh tế trái chiều khiến ông trở nên thận trọng hơn khi xem xét khả năng chương trình kích thích kinh tế bị thu hẹp trong tương lai gần.
Trong khi đó, các nhà phân tích kinh tế tại Goldman Sachs và Deutsche Bank dự báo FED có thể bắt đầu động thái cắt giảm quy mô kích thích kinh tế vào mùa Hè này. Chuyên gia kinh tế trưởng tại Deutsche Bank Securities, ông Joseph A. LaVorgna, thậm chí còn nói rõ quy mô cắt giảm là 25 tỉ USD và thời điểm là vào tháng 9/2013 ngay cả khi dữ liệu về thất nghiệp tháng 5 không giống như dự báo. Nhận định của LaVorgna là có thể hiểu được vì tình hình việc làm muốn cải thiện không chỉ dựa vào một mình QE và trong bối cảnh rủi ro đến từ QE ngày một tăng, FED khó tránh được việc tách hành động cắt giảm QE ra khỏi điều kiện giảm tỉ lệ thất nghiệp.
Sự thiếu thống nhất trong FED cũng như việc các chuyên gia kinh tế không đạt được nhận thức chung về vấn đề cắt giảm QE một lần nữa cho thấy cắt giảm QE là vấn đề mang tính nhạy cảm cao và không thể giải quyết bằng một nhát cắt. Đó là chưa nói tới việc Chính phủ Mỹ phải cắt giảm chi tiêu tự động và vấn đề mức trần nợ công vẫn chưa được giải quyết có thể sẽ tạo ra biến số đối với kinh tế Mỹ, khiến FED càng khó có thể rút QE ngay lập tức. Nhưng cuối cùng thị trường cũng phải nhận thức được rằng FED sẽ phải đưa ra quyết định rút QE. Vấn đề chỉ là thời gian và cách thức.
Ngoài các ý kiến dự đoán FED sẽ cắt giảm QE vào mùa hè này hoặc vào tháng 9 tới như đã nêu ra ở trên, tờ Tin tức Thế giới của Mỹ cho rằng, nếu kinh tế Mỹ trong quý II và quý III vẫn giữ được đà tăng trưởng và tỉ lệ thất nghiệp tiếp tục giảm nhẹ thì quý IV năm nay sẽ là thời điểm FED thu hẹp quy mô gói kích thích kinh tế. Tuy nhiên, theo “Tiến sĩ Ngày Tận thế” Nouriel Roubini, FED có thể duy trì QE thêm 2 năm nữa.
Trả lời phỏng vấn truyền hình CNBC mới đây, vị chuyên gia kinh tế từng dự đoán chính xác khủng hoảng kinh tế 2008 này cho rằng tăng trưởng kinh tế Mỹ vẫn trì trệ. Những số liệu mới công bố cho thấy trong những tháng tới kinh tế Mỹ sẽ không tăng trưởng và lạm phát thực sự giảm. Do vậy, mặc dù thị trường vẫn lo ngại FED sẽ giảm quy mô nới lỏng định lượng vào cuối năm nay nhưng có lẽ điều này chưa thể xảy ra. QE có thể được duy trì đến giữa năm 2014, thậm chí tới đầu năm 2015.
Giống như nhiều chuyên gia khác Roubini nhấn mạnh, FED cần rút QE3 một cách từ từ để thị trường có thể kịp phản ứng. Khẳng định việc rút QE là quá trình lâu dài và phức tạp, Nhật báo Kinh tế của Hong Kong dự báo về các bước rút QE, trước hết là dừng mua chứng khoán thế chấp bằng bất động sản (Mortgage backed securities - MBS), tiếp đó là giảm mua trái phiếu chính phủ và cuối cùng là ngừng QE toàn diện. Tờ Tin tức Thế giới cũng cho rằng việc cắt giảm QE sẽ được bắt đầu từ MBS, nhưng chỉ là hạ giá trị mua vào chứ không phải là dừng mua hẳn.
Theo
Hà Ngọc
Tin Tức