Hoa Kỳ sử dụng phi cơ C-123, từng được dùng để rải tác nhân cam, vào vận tải thời hậu chiến
Báo Mỹ nói việc sử dụng thời hậu chiến một số phi cơ từng rải chất da cam tại miền Nam Việt Nam nay đang đặt lại vấn đề về cách Hoa Kỳ không thông báo cho cựu binh của chính họ về rủi ro bệnh tật.
Bài trên Washington Post hôm 4/8/2013, dưới tựa đề ‘Tác nhân cam vượt ra ngoài cuộc chiến Việt Nam’ (Agent Orange’s reach beyond the Vietnam War), nói có chừng hơn 30 chiếc phi cơ vận tải C -123 được dùng tại Hoa Kỳ sau năm 1975.
Có khoảng 1.500 người phục vụ trong Không quân Vệ binh Quốc gia và thành viên của Quân trừ bị Mỹ đã bay trên các chuyến bay vận tải hàng (cargo mission) cho đến khi các phi cơ đó được thải năm 1982.
Bài báo của Steve Vogel trên Washington Post nay trích các nguồn tại Mỹ nêu ra nghi vấn về việc có người bị nhiễm độc chất khai quang còn dính lại trên những chiếc phi cơ này.
Bài báo nói Không quân Hoa Kỳ còn có kế hoạch bán đi một số phi cơ vận tải nhưng phải bỏ ý định đó năm 1996 sau khi có bằng chứng rằng 18 chiếc C-123 có thể dính chất TCDD dioxin, có liên quan đến chất da cam.
Cách ly và thiêu hủy
"Sau khi dùng súng bắn nát, thân phi cơ được đốt ở nhiệt độ 1400 độ C và đóng thành các khối nặng 2000 cân Anh. Các khối kim loại này sau được bán cho ngành công nghệ xe hơi"
Biên bản thiêu hủy C-123
Hoa Kỳ sau đó đã đem những chiếc máy bay này vào khu vực cách ly ở căn cứ Davis-Monthan ở Arizona, theo bài báo.
Mới đây, năm 2010, Không lực Hoa Kỳ đem 18 chiếc phi cơ đó đi thiêu hủy “một phần vì lo ngại trách nhiệm có thể phải chịu về chất da cam”, theo Washington Post trích biên bản cuộc thiêu hủy của bên quốc phòng Mỹ.
Điều đáng nói là Không lực Hoa Kỳ chưa bao giờ thông báo cho các bên hữu quan gồm các quân nhân, nhân viên đã dùng máy bay hoặc làm việc tại bãi chứa phi cơ 'Boneyard' tại Arizona về rủi ro liên quan tới họ.
Nay, một cựu thiếu tá không quân, ông Wes Carter, người từng làm sỹ quan quân y trên máy bay C-123 hơn 10 năm, nói cần phải thông báo cho mọi cựu binh Mỹ từng tiếp xúc với máy bay biết mọi việc để họ có thể đòi bồi thường.
Nhưng theo bài của Steven Vogel, Cục Cựu chiến binh Hoa Kỳ (VA) cho đến nay vẫn không chấp nhận rằng có liên hệ giữa các vụ dính chất dioxin diệt cỏ được nói đến.
Chất dioxin bị cho là gây ra dị tật bẩm sinh tại Việt Nam thời hậu chiến
Ông Carter, năm nay 66 tuổi hiện đang bị ung thư tiền liệt tuyến loại gây tử vong.
Hồi tháng 2, bác sỹ của ông Carter là Mark Garzotto, Giám đốc ban ung thư thuộc Trung tâm Y khoa cho Cựu Chiến binh ở Portland, cho hay bệnh ung thư của ông Carter “có nhiều khả năng vì tiếp xúc chất da cam”.
VA đến nay bác bỏ yêu cầu đòi bồi thường từ thiếu tá Carter và các cựu binh từng bay trên C-123 sau cuộc chiến Việt Nam.
Ông Eric K. Shinseki, chủ nhiệm Cục Cựu chiến binh Hoa Kỳ trả lời thư của Thượng nghị sỹ Richard Burr về vụ việc này và nói rằng VA “không bác bỏ hoàn toàn mọi khiếu nại” mà sẽ xem xét từng trường hợp cụ thể.
Giai đoạn Hoa Kỳ rải chất khai quang nhằm diệt cỏ để làm lộ nơi trú ẩn hoặc các tuyến đường hành quân của quân đội cộng sản trong khu vực rừng núi của Việt Nam là từ năm 1962 đến 1971.
Chiến dịch này được Hoa Kỳ gọi là Ranch Hand đă gây ra nhiều di chứng tại Việt Nam cho tới ngày nay cho cả cựu binh hai miền Nam - Bắc và thường dân.
Trong số các lực lượng tham gia chiến đấu cùng quân đội Hoa Kỳ ở Nam Việt Nam còn có các cựu binh Hàn Quốc cũng đòi được Hoa Kỳ bồi thường vì dính vào chất da cam.
(BBC)