Nhu cầu làm đẹp với chị em phụ nữ ngày càng tăng cao. Và để cải thiện làn da, chị em dùng các biện pháp chăm sóc như xông hơi, đắp mặt, tẩy trắng… Nhưng không ít trường hợp đã phải trả giá đắt với những cuộc làm đẹp đó của mình.
Massage “tặng” thêm mụn
Vào mùa hè, da thường dễ bị khô, vì thế nhiều chị em lựa chọn quy trình làm đẹp với tẩy da chết, xông mặt, massage, đắp mặt nạ và thoa kem dưỡng. Tuy nhiên, không ít trường hợp sau khi được chăm sóc với cả một quy trình kỹ lưỡng như vậy lại thấy mặt nổi đầy mụn, thậm chí là cả những cái mụn bọc tấy đỏ.
Mỹ phẩm sử dụng trong quá trình massage không đảm bảo cũng là tác nhân gây nguy cơ dị ứng, viêm da.
Theo chuyên gia tư vấn và chăm sóc da Nguyễn Minh Hương, Trung tâm Thẩm mỹ Trúc Lâm, Hà Nội, với các bước chăm sóc da cơ bản như vậy, ngoài các trung tâm làm đẹp thì ngay cả các cơ sở không chuyên nghiệp cũng thực hiện được, chất lượng dịch vụ và hiệu quả chăm sóc da cũng không thể như nhau. Thậm chí không ít trường hợp sau khi massage mặt còn được “khuyến mãi” thêm cả mụn và nguy cơ viêm da, nhiễm khuẩn da... Việc xuất hiện những hệ lụy xấu chủ yếu đến từ việc vệ sinh các dụng cụ, thiết bị như khăn, bông và chất lượng sản phẩm sử dụng.
Ví dụ, nếu bông lau không thay riêng cho mỗi người, khăn đắp mặt không được tiệt trùng sạch, máy móc thiết bị và dụng cụ không vệ sinh sạch sẽ thì nguy cơ nhiễm khuẩn rất lớn, bởi môi trường hơi nước ẩm ướt dễ sinh nấm mốc và lây lan vi khuẩn.
Bình đun nước xông mặt cũng là một trong những nguyên nhân gây nhiễm bẩn, bởi cặn nước đóng cáu trong bình, lâu ngày thậm chí có thể mọc rêu. Khi nước đun sôi lên và phả hơi nước vào mặt khách khiến các lỗ chân lông nở ra, mục đích là để thẩm thấu tốt kem massage và dưỡng chất. Nhưng nếu hơi nước bẩn thì da cũng thẩm thấu luôn cả những chất bẩn đó. Ngoài ra, các mỹ phẩm sử dụng trong quá trình massage không đảm bảo chất lượng cũng là tác nhân gây nguy cơ dị ứng, viêm da cho người sử dụng dịch vụ.
Càng hút, mụn càng nhiều
Thời tiết nắng nóng, da phải đối phó với điều kiện môi trường khắc nghiệt nên mẫn cảm là nguyên nhân khiến da dễ nổi mụn, đặc biệt là các mụn đầu đen, mụn cám. Để loại trừ những đốm mụn khó chịu, nhiều người sử dụng dịch vụ hút mụn trong quy trình chăm sóc da.
Theo ThS.BS Nguyễn Thị Thảo, Phòng khám Da liễu Beauty Clinic, Hà Nội, hút mụn là công nghệ khá hiện đại sử dụng máy hút chân không để làm sạch da, loại bớt mụn, dầu, bụi bẩn trên bề mặt da. Theo đó, lực hút chân không sẽ tác động đến từng lỗ chân lông, hút bật các chất bẩn bít kín lỗ chân lông, khiến bề mặt da sạch sẽ, sáng hơn và dễ dàng thẩm thấu dưỡng chất từ mặt nạ, kem dưỡng. Tuy nhiên, đừng tưởng công nghệ hiện đại mà vội vã thực hiện bởi không phải loại da nào cũng thích hợp và khi áp dụng cũng cần làm một cách khoa học.
Ví dụ, mụn là do bề mặt da tiết bã nhờn, khi không được làm sạch đúng cách sẽ tạo thành mụn. Vì thế, đối với người da dầu, tiết nhiều bã nhờn thì việc sử dụng máy hút chân không sẽ hút các bã nhờn này khỏi lỗ chân lông và làm sạch da, nếu quá lạm dụng sẽ kích thích da tăng tiết bã nhờn và càng mọc thêm nhiều mụn hơn. Đối với da khô, sạch dầu, lỗ chân lông nhỏ, da sạch mịn thì việc hút mụn là không cần thiết, thậm chí hút mụn nhiều lại có tác hại làm to lỗ chân lông, tăng nguy cơ hấp thu bụi bẩn vào da và kích thích việc sinh mụn.
ThS.BS Nguyễn Thị Thảo cũng khuyến cáo, chỉ nên hút mụn khoảng 1-2 tuần/lần hoặc khi trên da xuất hiện nhiều mụn. Tuyệt đối không nên hút mụn khi da có biểu hiện nhiễm trùng, mụn sưng đỏ, sưng lở hoặc có bọc mủ trắng ở đầu mụn, bởi dễ gây nguy cơ viêm da và càng lây lan nhiều mụn hơn.
Chị em tuyệt đối không nên dùng tay để nặn mụn. Mụn bọc, sưng đỏ khi nặn ra rất dễ nhiễm trùng, nhất là khi tay không được vệ sinh sạch sẽ. Tốt nhất khi mặt có nhiều mụn chỉ nên rửa mặt bằng nước sạch hoặc nước muối sinh lý cho se mụn. Nếu sử dụng kem hoặc thuốc trị mụn phải có chỉ định của bác sĩ.
Huy Khánh (Kienthuc)/Theo Khỏe & Đẹp