Năm trước, Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ 6. Vụ thử hạt nhân này quá mạnh. Giờ đây chính họ nhận hậu quả động đất hơn một năm sau đó.
Bãi thử hạt nhân của Triều Tiên - nơi diễn ra vụ thử hạt nhân lần thứ 6 của nước này.
Cụ thể, Cơ quan Khí tượng Hàn Quốc (KMA) cho biết một trận động đất nhỏ vừa xảy ra ở tỉnh Bắc Hamgyong của Triều Tiên hôm nay (2.1). Trận động đất được cho là bắt nguồn từ vụ thử hạt nhân dưới lòng đất vào tháng 9.2017 của chính quyền Bình Nhưỡng.
Đó là vụ thử hạt nhân mạnh nhất của Triều Tiên cho đến nay, với sức nổ ước tính lên tới 160 kiloton, theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản. Vụ nổ ban đầu tạo ra một trận động đất mạnh tới 6,3 độ richter đồng thời gây ra một loạt các dư chấn cũng như một vụ sập tại bãi thử hạt nhân.
Trận động đất hôm nay chỉ mạnh 2,8 độ richter và có tâm chấn khá nông - chỉ sâu khoảng 12 km, cách khoảng 11 km về phía đông của bãi thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên.
Một nhà địa chấn học tại KMA cho biết, trận động đất hôm nay gần như chắc chắn là một trận động đất tự nhiên chứ không phải là một vụ nổ dựa trên phân tích sóng địa chấn đo được và thực tế là không đo thấy sóng âm thanh.
Do không có đường đứt gãy lớn nào chạy qua Triều Tiên và trận động đất được ghi nhận rất gần với bãi thử hạt nhân Punggye-ri, nên nhà địa chấn học cho rằng trận động đất là kết quả của vụ thử hạt nhân thứ 6 của Bình Nhưỡng.
Bình Nhưỡng gần đây tuyên bố đã đóng cửa bãi thử Punggye-ri theo thỏa thuận với Mỹ sau cuộc họp thượng đỉnh lịch sử giữa nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Donald Trump. Triều Tiên thậm chí đã mời một số phương tiện truyền thông quốc tế, bao gồm CNN, đến lễ đóng cửa Punggye-ri, trong đó nước ày đã phá hủy lối vào ít nhất 3 đường hầm được sử dụng để thử hạt nhân, tòa nhà quan sát, xưởng đúc kim loại và khu nhà ở.