Washington sắp sửa chứng kiến một "cơn bão" những tỷ phú và CEO của các công ty công nghệ từ Thung lũng Silicon đổ về trong nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông Donald Trump.
Khác với những nhân vật giàu có và quyền lực của những thế hệ trước, vốn thường tác động đến nền chính trị một cách kín đáo thông qua các thỏa thuận bí mật, những ông trùm công nghệ từ Thung lũng Silicon sắp đổ về Washington lại thích công khai xu hướng chính sách của họ trước công chúng, theo Politico.
Thông qua podcast và mạng xã hội, những nhân vật quyền lực trong giới công nghệ, với điển hình là tỷ phú Elon Musk, đang ngày càng có mối liên hệ chặt chẽ hơn với quá trình chuyển giao quyền lực của Tổng thống đắc cử Donald Trump.
Với mối liên hệ ngày càng chặt chẽ với chính quyền Tổng thống đắc cử Donald Trump, giới siêu giàu ở Thung lũng Silicon đang mở rộng sức ảnh hưởng đến Washington. Ảnh: New York Times.
Những ông trùm công nghệ này bày tỏ rất rõ yêu cầu, kỳ vọng và ý tưởng về chính quyền mới. Vẫn với sự tự tin kinh điển vốn đã làm nên thương hiệu của Thung lũng Silicon, họ dường như muốn thị phạm rằng bản thân có thể vận hành chính phủ tốt hơn bất kỳ ai.
Viễn cảnh Washington chịu sự chi phối của giới tỷ phú công nghệ ngày càng hiển lộ hơn khi chính quyền mới manh nha ban hành một loạt chính sách cắt giảm quy định đối với một loạt lĩnh vực như tiền điện tử, trí tuệ nhân tạo hay thậm chí là cả ngành công nghiệp quốc phòng và công nghệ y tế.
Vấn đề chính sách
Mục tiêu chính trị của giới tỷ phú công nghệ có thể không đồng nhất. Tuy nhiên, nhìn chung, phần lớn những nhân vật này có xu hướng xem các đề xuất của họ là phương án "cứu tinh" cho nước Mỹ, theo Politico.
Marc Andreessen, người sáng lập công ty đầu tư mạo hiểm Andreesen Horowitz (gọi tắt là a16z), nổi tiếng với bản "tuyên ngôn lạc quan về công nghệ" dài hơn 5.000 từ, lập luận rằng sự kìm hãm của các cơ quan quản lý đang giết chết tinh thần kinh doanh của nước Mỹ.
Trong lần xuất hiện trên podcast của nhà báo Bari Weiss hồi đầu tháng 12, ông Andreessen hình dung rằng nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump tại Nhà Trắng sẽ là sự đảo ngược hoàn toàn đối với chính quyền Tổng thống Joe Biden, vốn bị ông Andreessen cáo buộc là có xu hướng chống đối giới công nghệ.
"Chúng tôi ủng hộ ông Trump đơn thuần là dựa trên cơ sở về chính sách công nghệ", ông Andreessen nói. "Chúng tôi đã trải qua 4 năm khổ sở vì cuộc chiến tiền điện tử; về ngành trí tuệ nhân tạo, chúng tôi đã có những cuộc gặp rất 'kinh khủng' ở Washington vào tháng 5 và khi trở về thì chúng tôi quyết định sẽ ủng hộ ông Trump".
Trong giai đoạn tiền bầu cử, ông Andreessen đã cùng Ben Horowitz (đồng sáng lập a16z) và Satya Nadella (chủ tịch Microsoft) viết về việc những chính sách công nghệ mới cần phải được đánh giá.
"Các quy định chỉ nên được ban hành và thực hiện nếu lợi ích của chúng lớn hơn chi phí", bộ ba nói trên viết, giải thích thêm rằng "các nhà hoạch định chính sách nên tính thêm cả những chi phí có thể phát sinh từ bộ máy quan liêu áp lên các công ty khởi nghiệp".
Marc Andreessen, nhà sáng lập công ty đầu tư mạo hiểm Andreesen Horowitz. Ảnh: Reuters.
Cách tiếp cận đầy tính hoài nghi và đặt nặng việc tạo điều kiện cho sự tăng trưởng cũng là tiêu chí của Bộ Hiệu quả Chính phủ (DOGE), ủy ban không thuộc chính quyền liên bang được đồng lãnh đạo bởi hai ông trùm công nghệ Elon Musk và Vivek Ramaswamy.
Ủy ban này chủ yếu tập trung vào việc đưa ra đề xuất cho chính quyền ông Trump và Quốc hội để thu hẹp quy mô chính phủ liên bang, theo Politico.
Theo hai ông Musk và Ramaswamy, mục tiêu của DOGE là "giải phóng mọi người và doanh nghiệp khỏi những quy định bất hợp pháp vốn chưa từng được Quốc hội thông qua, từ đó kích thích nền kinh tế Mỹ".
Trong bối cảnh các đồng minh của ông Musk đang phỏng vấn cho nhiều vị trí trong nội các chính quyền mới, giới tỷ phú và chủ doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ sẽ có những công cụ mạnh mẽ để tác động đến việc hoạch định chính sách, theo New York Times.
Những thay đổi dự kiến về ngành năng lượng là một ví dụ điển hình về tác động của xu hướng cắt giảm quy định mà phe cánh hữu trong giới công nghệ đang ủng hộ.
Nhiều nhân vật cộm cán trong cộng đồng công nghệ thiên hữu xem việc mở rộng khai thác năng lượng là điều kiện trọng yếu để giảm chi phí sinh hoạt, thúc đẩy phát triển trí tuệ nhân tạo và cạnh tranh với những đối trọng nước ngoài.
"Nhiều điện năng hơn đồng nghĩa với tự động hóa nhiều hơn, đồng nghĩa với việc áp dụng trí tuệ nhân tạo nhiều hơn, tức là nhiều công việc được giải quyết hơn", nhà đầu tư mạo hiểm David Friedberg nói trên podcast "All In" hồi đầu tháng 12.
"Cấu trúc quản lý và các quy định cản trở khả năng mở rộng năng lực sản xuất điện của người Mỹ", ông Friedberg nói thêm.
Xung đột tiềm tàng
Dù phe cánh hữu trong giới công nghệ có mục tiêu tương đối tham vọng, họ nhiều khả năng sẽ vấp phải thách thức ở một mức độ nào đó từ chính cộng đồng này.
Phó Tổng thống đắc cử JD Vance, chính trị gia bảo thủ có nhiều năm hoạt động với tư cách là nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ, đã ủng hộ cuộc chiến chống độc quyền đối với các công ty công nghệ lớn được phát động bởi Chủ tịch Ủy ban Thương mại Liên bang Lina Khan thuộc chính quyền Biden.
Một số nhân vật nổi bật trong cộng đồng công nghệ cũng đã cổ vũ cuộc "thập tự chinh" này, theo Politico.
Tổng thống đắc cử Trump cũng đã đề cử Gail Slater, đồng minh của ông Vance và là người có lập trường cứng rắn với các ông lớn công nghệ, làm người giám sát nỗ lực chống độc quyền của Bộ Tư pháp.
Động thái này được cho là thể hiện sự ủng hộ cho việc thực thi luật chống độc quyền và có thể tạo ra xung đột tiềm tàng trong chính quyền tương lai.
Mặt khác, quan điểm của bà Khan về cách chính phủ nên can thiệp vào ngành công nghệ lại không được lòng một bộ phận lớn trong cộng đồng các nhà đầu tư mạo hiểm, theo Politico.
Nhiều người trong số này đã chỉ trích bà Khan và chính quyền Biden vì họ cho rằng chính phủ đương nhiệm đã khiến nền kinh tế chững lại bằng cách ngăn chặn các vụ sáp nhập hoặc mua lại công ty.
Chủ tịch Ủy ban Thương mại Liên bang Lina Khan không nhận được nhiều sự ủng hộ từ phe cánh hữu ở Thung lũng Silicon. Ảnh: Reuters.
Nhập cư cũng là một vấn đề có thể tạo ra xung đột giữa phe công nghệ cánh hữu và những người bảo thủ ủng hộ chiến dịch MAGA của ông Trump.
Bởi lẽ, phần lớn giới công nghệ ủng hộ việc tăng cường nhập cư cho những lao động có chuyên môn cao, song quan điểm này lại xung đột với lời kêu gọi hạn chế mở cửa biên giới của phe MAGA, theo Politico.
Một viễn cảnh xung đột tiềm tàng dần trở nên hiển lộ giữa tỷ phú Musk, người nổi lên là cố vấn thân cận của ông Trump kể từ cuộc bầu cử 2024, và Stephen Miller, cố vấn cấp cao về chính sách nhập cư của tổng thống đắc cử.
Jeremiah Johnson, nhà đồng sáng lập của Trung tâm Chủ nghĩa Tự do Mới, nhận định rằng giới tỷ phú của Thung lũng Silicon đang tham gia vào một canh bạc lớn về mức độ ảnh hưởng của họ đến ông Trump trong vấn đề đưa ra quyết sách.
"Một cuộc chiến thương mại sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến giới công nghệ và một đợt đóng cửa không cho lao động nhập cư vào Mỹ cũng sẽ tệ không kém đâu", ông Johnson nhận định.
VietBf@ sưu tập