Không có tên lửa Tomahawk, nếu thực hiện cuộc tấn công Syria, người Pháp chỉ có thể hi vọng vào tên lửa hành trình, bom được triển khai trên máy bay.
Hiện nay, lực lượng Hải quân Pháp không có trong trang bị tên lửa hành trình đối đất tầm siêu xa Tomahawk hay một loại vũ khí tương tự được mang trên tàu chiến. Vì vậy, nếu nước này quyết tâm tham chiến cùng Mỹ, họ chỉ có thể hi vọng vào lực lượng không quân. Hiểu được điều này, ngay từ cuối tháng 8, Hải quân Pháp đã quyết định điều tàu sân bay hạt nhân Charles de Gaulles lên đường tới Syria. Lực lượng máy bay trên tàu chiến lớn nhất nước Pháp sẽ là “vũ khí chủ lực” dội bom, tên lửa vào Syria.
Tàu sân bay Charles de Gaulles chở theo các máy bay tiêm kích đa năng thế hệ 4 Rafale-M và cường kích Super Etendard có khả năng mang vũ khí chính xác cao để thực hiện cuộc tấn công.
Trong đó, tiêm kích Rafale M có khả năng mang được 2 tên lửa hành trình tấn công mặt đất Storm Shadow cho phép Rafale M bắn tên lửa tiêu diệt mục tiêu ngoài tầm phòng không của Syria.
Tên lửa hành trình tầm xa Storm Shadow có thể đạt tầm bắn tới 500km, độ cao bay cách mặt đất chỉ là 300m, dùng hệ dẫn đường hỗn hợp quán tính INS, định vị toàn cầu kết hợp dẫn đường so sánh biên dạng địa hình, đầu tự dẫn hồng ngoại pha cuối cho phép đạt độ chính xác rất cao. Storm Shadow lắp đầu nổ nặng 450kg cho phép xuyên phá boong ke, công sự phòng ngự kiên cố nhất.
Trong cuộc tranh Libya 2011, cường kích Tornado IDS của Italy lần đầu phóng Storm Shadow tấn công lực lượng ủng hộ Tổng thống Gaddafi. Tổng kết cả cuộc chiến, có khoảng 20-30 quả Storm Shadow đã “dội” vào mục tiêu Quân đội Libay với tỷ lệ chính xác đạt 97%. Biết đâu lần này tới lượt Không quân Pháp trình diễn khả năng tấn công chính xác tuyệt đối của Storm Shadow.
Ngoài Storm Shadow, Rafale M còn mang tổng cộng 6 quả tên lửa không đối đất AASM có tầm phóng 15km ở độ cao thấp hoặc 55km ở độ cao lớn, độ chính xác rất cao với bán kính lệch mục tiêu 1-10m tùy biến thể. Trong cuộc chiến Libya 2011, tiêm kích hạm Rafale M của Pháp đã phóng nhiều quả AASM không kích quân chính phủ Libya gồm cả máy bay (đỗ trên mặt đất) và xe tăng. Lần nay, tại Syria điều này có thể lại được lặp lại một lần nữa.
Ngoài Rafale M, Không quân Hải quân Pháp có thể điều cường kích hạm Super Etendard để thực hiện các cuộc không kích Syria.
Super Etendard có thể mang bom hàng không có điều khiển và tên lửa đối đất AS-30L có tầm bắn xa 11km, lắp đầu đạn nặng 240kg. Trong cuộc chiến Libya 2011, loại tên lửa này được Super Etendard triển khai bắn phá.
Bên cạnh tàu sân bay cùng đội tiêm kích, cường kích hạm, Hải quân Pháp cũng đã điều tới khu vực Địa Trung Hải tàu khu trục phòng không Chevalier Paul (D621) – tàu chiến tên lửa lớn nhất Hải quân Pháp với lượng giãn nước hơn 7.000 tấn.
Tuy có kích cỡ lớn nhưng Chevalier Paul (D621) chỉ tham gia ở nhiệm vụ bảo vệ hạm đội trên mặt biển chống mục tiêu đường không bằng tên lửa đánh chặn tầm trung Aster 15 và tầm xa Aster 30. Khả năng này khó có thể được nhìn thấy tại cuộc chiến Syria vì lực lượng quân sự Syria không có tên lửa nào vượt quá tầm 500km nếu tàu chiến Pháp, Mỹ nằm cách xa.
Thực tế, trong chiến dịch tấn công Libya 2011, tàu Chevalier Paul thực hiện nhiều nhiệm vụ hỗ trợ ở bờ biển với 2 pháo Oto Melara 76mm. Tuy nhiên, Chevalier Paul sẽ khó có khả năng thực hiện các nhiệm vụ tương tự tại Syria do nước này sở hữu tên lửa hành trình chống tàu siêu thanh đặc biệt nguy hiểm, P-800 Yakhont.