“Trẻ em hôm nay - thế giới ngày mai”, câu nói này khẳng định tầm quan trọng của trẻ em đối với tương lai loài người. Tuy nhiên, tương lai đó đang bị người Trung Quốc “hạ độc” bằng vô số hóa chất độc hại gây tổn hại sức khỏe ẩn giấu trong những loại đồ chơi vừa đẹp vừa rẻ.*
Made in China đã trở thành thương hiệu của chất độc với cả thế giới này...
Không chỉ có các loại thực phẩm mới chứa chất độc hại, mà nhiều sản phẩm tiêu dùng của Trung Quốc cũng vậy.*
Đồ nguy hiểm bày bán la liệt
Trong một báo cáo đầu tuần này từ hệ thống cảnh báo RAPEX của Liên minh châu Âu, những sản phẩm*hình dán hoạt hình “Made in China”đã bị thu hồi hoàn toàn khỏi thị trường.
Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Thúy (Trưởng khoa Thận - Máu - Nội tiết, Bệnh viện Nhi đồng 2, TP HCM) mới đây thông qua sóng truyền hình Quốc gia đã cảnh báo: "Chất này có nhiều khả năng là*tác nhân gây ra dậy thì sớm ở các trẻ em nữ. Còn với các trẻ em nam thì sự hiện diện của chất này làm giảm sự bài tiết những hoóc-môn tăng trưởng, có thể gây ra vô sinh về sau. Ngoài những tác động trên, các chất độc hại này còn gây ung thư, ảnh hưởng tới chức năng các cơ quan khác như gan và thận. Vì thế, phụ huynh nên kiểm tra kĩ xuất xứ và thành phần những đồ chơi này trước khi quyết định để trẻ tiếp xúc với chúng”.
Có đến 20 sản phẩm đồ chơi có xuất xứ từ Trung Quốc bị RAPEX đưa vào danh mục cảnh báo này. Sản phẩm bị đề nghị thu hồi bao gồm những đồ chơi bằng nhựa như: Bộ đồ chơi nhà bếp; nhiều mẫu búp bê nhựa (giống búp bê Barbie), bộ đồ chơi tập lặn, kính bơi…
Trước đó, nhiều sản phẩm đồ chơi khác có xuất xứ từ Trung Quốc cũng đã được RAPEX đưa vào danh sách cảnh báo thu hồi. Đặc biệt, trong đó có*miếng dán đồ chơi nhựa (sticker)*rất phổ biến và được trẻ em yêu thích. Miếng dán hoạt hình với đầy đủ các loại hình búp bê, hình các con vật, các nhân vật hoạt hình, hoa… được bày bán rất nhiều ở Hà Nội. Qua tìm hiểu của chúng tôi, những*miếng dán hoạt hình xuất xứ từ Trung Quốc*bán nhiều nhất ở các cửa hàng đồ chơi trẻ em cạnh các trường mầm non, cửa hàng bán đồ lưu niệm, siêu thị, nhà sách, thậm chí các cửa hàng tạp hóa ở những nơi đông dân cư.
Mỗi một miếng sticker có chứa hàng chục hình dán với màu sắc bắt mắt, hình dáng đa dạng và giá chỉ từ 3.000 - 5.000 đồng (loại nhỏ), từ 10.000 - 20.000 đồng (loại có kích thước bằng tờ giấy A4), tất cả chúng đều được ghi rõ “Sản xuất tại Trung Quốc” bằng tiếng Anh và tiếng Trung Quốc.
Sáng 19/11, chúng tôi có mặt tại phố Hàng Mã và những con phố lân cận nơi bán rất nhiều đồ chơi trẻ em. Đây là “lãnh địa” của những tấm hình được cảnh báo độc hại này. Những tấm sticker được xếp trong những chiếc giỏ nhựa đặt ngay ngắn trên kệ hàng.
“10.000 đồng/tấm, có đủ các thể loại, cho bé trai có hình siêu nhân, cho bé gái có hình búp bê…”, bà chủ một cửa hàng phố Hàng Mã giới thiệu khi thấy chúng tôi sà vào những giỏ hàng này. Khi nghe chúng tôi phân vân vì chúng có xuất xứ từ Trung Quốc nên độc hại, bà này nói: “Độc hại gì ở cái hình dán bé như cái kẹo. Cửa hàng của cô còn nhập các sticker loại hình ông sao nhỏ cho một số trường mầm non để họ làm phần thưởng cho các cháu. Cháu nào ngoan thì được cô dán lên tay hoặc lên má”.
Cửa hàng đồ chơi số 23 Hàng Mã bày bán hàng nghìn hình dán này ngay vỉa hè trước. Chúng được xếp thành từng chồng cao trong các giỏ nhựa. Ở một số cửa hàng dán mác “đồ chơi trẻ em thông minh” cũng dành một góc để trưng bày và bán những hình dán này.
“Điếc không sợ súng”?!
Chúng tôi liên hệ với một cửa hàng đồ chơi trẻ em ở phố Chùa Bộc, quận Đống Đa. Nhân viên cửa hàng này cho biết vừa bán hết loại hình dán này trong sáng 19/11 và ít ngày sau có đợt hàng mới nhập về sẽ gọi điện lại cho chúng tôi. Qua trao đổi, nhân viên này cho biết hình dán là mặt hàng tuy lời mỗi tấm đơn lẻ không là mấy nhưng buôn bán rất tốt vì cửa hàng bán rất chạy. Chị này cũng thừa nhận chưa bao giờ nghe thông tin là những hình dán này có nguy cơ gây độc hại cho người dùng.
Tương tự, nhà sách trên đường Phan Trọng Tuệ, quận Hà Đông cũng bày bán rất nhiều hình dán này. Qua quan sát, chúng tôi nhận thấy tất cả những tấm hình trên đều được ghi “made in China”. Nhân viên thu ngân ở nhà sách cho biết đó là mặt hàng thông thường của nhà sách và chúng được bày bán từ lâu.
Chị Nguyễn Kim Thoa ở khu đô thị Linh Đàm, quận Hoàng mai không khỏi “sốc” khi chia sẻ: “Tôi xem chương trình Chuyển động 24h thấy đề cập đến sự độc hại của những miếng dán này khi người ta thu hồi ở châu Âu. Ở ta chưa có kiểm chứng nào, nhưng quả đúng như miêu tả cũng là những hình dán, đều xuất xứ từ Trung Quốc. Hoảng quá, tôi phải mua găng tay y tế về bóc hết các hình con gái dán trên tủ lạnh và khắp tường trong phòng ngủ. Con gái tôi năm nay 4 tuổi, nó rất thích những hình dán này. Lúc nào đi siêu thị nó cũng chỉ đòi mua những hình dán này. Sợ quá!”.
Chị Vân Anh ở ngõ Quan Thổ 1, phố Tôn Đức Thắng cho biết: “Toàn chỉ nghe nghe rau Trung Quốc, trái cây Trung Quốc, áo ngực Trung Quốc chứ đâu nghĩ miếng dán như thế này mà độc hại. Thấy rẻ, mà bé lại thích nên tôi mua cho bé về dán thôi”.
Những miếng dán bắt mắt này luôn thu hút ánh nhìn của nhiều bé tuổi mầm non và cả bậc tiểu học. Ở châu Âu đã cấm, trong khi trước thông tin giật mình này, thị trường Hà Nội vẫn như chưa từng nghe thấy cảnh báo.