Một ngôi mộ nằm cách trung tâm xã Trung Sơn khoảng 1,5km được người dân phát hiện trên tấm bia có ghi chữ Hán, được nghi là một ngôi mộ cổ.
Ngôi mộ được phát hiện ở bản Co Me, cách trung tâm xã Trung Sơn, huyện Quan Hóa, Thanh Hóa chừng 1,5 km về phía thượng nguồn sông Mã. Theo quan sát, ngôi mộ dài khoảng 5m, rộng 4m; tấm bia mộ cao khoảng 1,6m, rộng 1m, dày hơn 10cm, mặt trước tấm bia có khắc chữ Hán và hướng ra phía sông Mã.
Theo người dân nơi đây, loại đá dựng bia mộ không có ở huyện Quan Hóa mà có thể được mang từ một số huyện lân cận như Cẩm Thủy, Ngọc Lặc lên. Xung quanh ngôi mộ còn có nhiều tấm bia đá khác có kích thước khác nhau, đều hướng ra phía ngoài sông Mã. Theo các già làng nói, đây là ngôi mộ của một vị tướng cai quản sông Mã từ Ngọc Lặc lên Quan Hóa. Ông quê ở Ngọc Lặc nên khi ông mất quân lính đã chuyển đá từ Ngọc Lặc lên đây xây mộ cho ông.
Do ngôi mộ từ lâu không có người chăm nom nên xung quanh luồng mọc chi chít, rậm rạp. Tấm bia mộ đã bị đổ nghiêng, nhiều gốc luồng mọc xen kẽ đã ép vỡ một phần tấm bia. Chữ trên mặt bia đã bị mờ do thời gian và bị rêu phủ.
Ông Vi Thành Thoa, Chủ tịch UBND xã Trung Sơn, nhận định: Mộ này có thể xuất hiện ở khoảng thế kỷ 18, được người dân trong bản phát hiện khoảng năm 1920 đến 1945. Theo các cụ cao niên địa phương truyền lại, ngôi mộ này là mộ của cụ ông có tên là Tiều mang họ Phạm, là con cháu của tướng quân Khăm Ban, vốn là một họ làm quan (theo tiếng Thái, Tiều là con đầu). Có thể chữ Hán trên mặt bia của ngôi mộ được viết khi người dân bản Co Me bắt đầu học chữ Hán.
UBND xã Trung Sơn đã báo cáo lên UBND huyện Quan Hóa. Đầu năm 2004 có một đoàn khảo cổ đã về nghiên cứu mộ song đến nay vẫn chưa có kết quả. Hiện bãi tha ma của bản Co Me nằm trong diện phải giải tỏa để xây dựng nhà máy thủy điện Trung Sơn. UBND xã đang kiên quyết bảo vệ phần mộ cổ và rất mong các ngành chức năng có liên quan vào cuộc tôn tạo bảo tồn để nghiên cứu về nguồn gốc cũng như lịch sử của ngôi mộ.
Ông Thoa cho biết thêm, tại bản Rạo của xã còn có trên dưới 50 mộ vô chủ được phát hiện vào khoảng năm 1995 - 1996.
Một số hình ảnh về ngôi mộ và khu vực xung quanh:
Để sang được bản Co Me, nói có ngôi mộ phải bơi thuyền qua dòng sông Mã.
Biểu tượng đặc trưng của dân tộc Thái trước khi vào bãi tha ma.
Và phải qua một quá trình đầy thử thách mới tới được vị trí có ngôi mộ.
Mặt sau của tấm bia mộ đã bi rêu và lá cây phủ đầy.
Những dòng chữ Hán cũng đang bị mờ dần do thời gian, rêu mốc
Những gốc luồng đã làm bia đá của ngôi mộ cổ bị vỡ mất một phần.
Xung quanh ngôi mộ có rất nhiều tảng đá với những kích thước khác nhau nhưng chúng có chung một loại đá và đều hướng về phía sông Mã theo hướng ngôi mộ.
Chia sẻ qua:
Theo Dân Trí