(Dân Việt) - Một báo cáo gây ngạc nhiên của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) công bố ngày 15.5 cho biết, trong khi ở các nước đang phát triển tỷ lệ đói nghèo giảm xuống, thì ở những nước giàu, người nghèo lại xuất hiện ngày càng nhiều.
ILO đưa ra nghiên cứu năm 2012 về thị trường lao động, cho biết, trong nhiều năm qua, tình trạng nghèo khổ gia tăng không còn là vấn đề của riêng các nước đang phát triển mà đã trở thành vấn đề đáng lo ngại ở các nước phát triển. Từ khi khủng hoảng kinh tế toàn cầu bùng nổ, tỷ lệ nghèo khổ đã giảm mạnh ở 75% các nước đang phát triển, nhưng lại đang tăng lên ở 25 trong số 36 nước phát triển.
Người nghèo ở các nước phát triển đang xuất hiện ngày càng nhiều.
ILO nhấn mạnh, tỷ lệ nghèo khổ tăng ở các nước phát triển là hậu quả của thị trường lao động tồi tệ và chính sách kinh tế khắc khổ được tăng cường áp dụng. Trong khi đó, nhờ thực hiện chính sách xã hội thích hợp, tỷ lệ người nghèo khổ thoát nghèo đã tăng nhanh ở các nước đang phát triển. Đặc biệt, các nước đang phát triển ở châu Á và Mỹ Latinh thành công cả về giảm tỷ lệ đói nghèo và thúc đẩy chuyển đổi xã hội.
Chương trình tăng phúc lợi xã hội cho những người thu nhập thấp và tăng mức lương cơ bản cùng với một số biện pháp khác của Chính phủ Brazil đã giúp giảm nhanh số người nghèo ở quốc gia này. Ấn Độ cũng giảm nhanh số người nghèo nhờ chương trình đảm bảo việc làm ở nông thôn, tăng các cơ hội việc làm và lương ở khu vực nông thôn. Trong khi đó, Việt Nam cũng được xem là nước thành công lớn trong việc xóa đói, giảm nghèo.
Báo cáo của ILO nêu cụ thể, trong 36 nước phát triển, tỷ lệ nghèo khổ chỉ giảm ở 11 nước, tăng ở 17 nước và không thay đổi ở 8 nước. Thực trạng trên được gắn với những diễn biến trên thị trường lao động các nước này, trong đó tăng việc làm tạm thời với lương thấp, tăng tỷ lệ thanh niên thất nghiệp làm căng thẳng tài chính của các hộ gia đình.
Các biện pháp kinh tế khắc khổ cũng tác động mạnh làm tăng tỷ lệ nghèo khổ ở các nước như Australia, Canada, Đức và Thụy Điển. Tại Mỹ, chỉ riêng năm 2010, số người nghèo đói tăng lên 42,6 triệu người. Mỹ định nghĩa nghèo là có thu thập bình quân hàng năm ở mức ít hơn hoặc bằng 22.314USD cho một gia đình 4 người, hoặc 11.139USD cho một người sống độc thân.
Nghiên cứu của ILO cảnh báo tỷ lệ thất nghiệp tăng có thể dẫn đến tình trạng nghèo khổ xuyên thế hệ, trong đó cha mẹ chuyển nghèo khổ cho thế hệ con cháu, đặc biệt thanh niên thất nghiệp là nhân tố hàng đầu dẫn đến nghèo khổ xuyên thế hệ.
Trọng Vũ