Con người đang được sống trên hành tinh hoàn hảo nhất trong hệ Mặt trời, hội tụ mọi điều kiện thuận lợi để hỗ trợ sự sống.
1. Vị trí hoàn hảo
Đây chính là lý do con người xuất hiện trên Trái đất chứ không phải hành tinh nào khác trong vũ trụ bao la. Thế giới của chúng ta xoay quanh Mặt trời ở khoảng cách “lý tưởng” nên nhiệt độ không bao giờ quá nóng hoặc quá lạnh.
Vùng sinh sống chứa nước tồn tại ở dạng chất lỏng - yếu tố cơ bản hình thành sự sống. Ngay cả trên sao Hỏa hay sao Kim, chưa ai có thể phát hiện sự tồn tại của các đại dương ngoại trừ Trái đất.
2. Mặt trăng
Không có Mặt trăng sẽ không có sự sống trên Trái đất bởi chính lực hút của Mặt trăng cùng sự trợ giúp của Mặt trời tạo ra những con sóng trên đại dương, yếu tố góp phần hình thành điều kiện sống lý tưởng cho các sinh vật dưới biển, sau đó chuyển hóa và trở thành những loài động vật trên cạn.
3. Vòng quay ổn định
Vòng quay của Trái đất "đưa" Mặt trời lên cao chiếu ánh sáng xuống hành tinh của chúng ta vào mỗi buổi sáng và "hạ" Mặt trời xuống để màn đêm thế chỗ vào ban đêm.
Nếu vòng quay này ngừng hoạt động, một nửa thế giới sẽ chìm trong biển lửa, nửa còn lại chìm trong băng giá và kết quả là mọi sinh vật sẽ bị diệt vong.
4. Trọng lực bất biến
Trọng lực giúp chúng ta định hình chính mình. Lực hút tạo ra sức mạnh của con người, góp phần định dạng và hình thành mọi vật thể sống.
Ví dụ như một người có trọng lượng ở mức trung bình, khi được đưa lên sao Hỏa cũng có thể bật lên và với tới chiếc rổ cao 8m. Trong khi đó, một nam giới nặng 91kg khi cố gắng đứng vững trên sao Mộc sẽ phải tăng cân lên 220kg.
5. Từ trường bảo vệ
Nếu Trái đất không có từ trường bền vững và khá mạnh, con người sẽ bị thiêu đốt dưới tác động của các tia vũ trụ và bão Mặt trời.
Từ trường tỏa ra từ các cực và vây quanh hành tinh của chúng ta. Thực tế, không phải lúc nào từ trường cũng ổn định. Kể từ những năm 1.800, từ trường ở cực Bắc đã dồn về phía Bắc hơn 1.100km.
Hiện tốc độ dịch chuyển đạt 64km/năm - gấp đôi tốc độ thế kỷ trước. Khoảng 300.000 năm lại xảy ra hiện tượng dịch chuyển cực từ và quá trình này diễn ra trong hàng ngàn năm.
6. Đa dạng khí hậu
Một số dạng sống có thể thích nghi với những khu vực lạnh giá nhất trên Trái đất như tại Nam Cực - nơi nhiệt độ hạ xuống tới -89,2 độ C và cả những khu vực nóng nhất hành tinh như vùng El Azizia (Libya) - nơi nhiệt độ từng lên tới 57,8 độ C.
Tuy nhiên, mức độ đa dạng sinh vật lại thuộc về khu vực nhiệt đới - nơi nhiệt độ được điều tiết phù hợp với các cá thể sống.
7. Biển cả bao la
Đại dương chiếm khoảng 70% diện tích bề mặt Trái đất. Điều đó đồng nghĩa với việc nguồn nước tồn tại ở dạng chất lỏng luôn dồi dào - yếu tố hỗ trợ quan trọng để hình thành sự sống trên hành tinh Xanh.
8. Mực nước biển
Tại một số khu vực, nước biển dâng mang lại cuộc sống phồn thịnh hơn cho con người nhưng ở nhiều khu vực khác nó lại là tai họa đe dọa mang sống của chúng ta.
Trong những thập kỷ gần đây, mực nước biển trở thành thuật ngữ được nhiều người quan tâm. Trước đây, việc sở hữu một ngôi nhà ven biển là niềm mơ ước của nhiều người nhưng giờ đây tình hình đã thay đổi.
Hiện tượng băng tan cùng với khí hậu trên biển ngày càng ấm hơn khiến mực nước biển trên các đại dương tăng lên nhanh chóng. Một số hòn đảo đang có nguy cơ bị nhấn chìm xuống lòng biển và cuộc sống của những cư dân ven biển cũng đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo báo cáo của khu vực Đông duyên hải Mỹ, nước biển tăng thêm 2mm/năm trong giai đoạn 1950 - 2009.
9. Màu xanh thực vật
Màu xanh được coi là tín hiệu của thiên nhiên, "gộp" ánh sáng Mặt trời, CO2 và nước thành nguồn thức ăn thực vật thông qua quá trình quang hợp - nền tảng cho cuộc sống của động vật.
10. Sấm sét
Mỗi năm tại Mỹ có hàng chục người tử vong vì bị sét đánh. Tuy nhiên, sấm sét cũng là chìa khóa của sự sống. Cùng với nước, metan và những hóa chất khác trong không khí, sấm sét tạo ra các amino axit và đường, hình thành nền tảng sự sống.
11. Không ngừng hoạt động
Một số hành tinh không bao giờ thay đổi bởi chúng thiếu sự vận động từ bên trong mà chúng ta thường gọi là kiến tạo địa chất. Trái lại, Trái đất luôn thay đổi, tái tạo các mảng kiến tạo và hâm nóng các vật chất bên dưới để đưa quay trở lại bề mặt hành tinh.
Chính hoạt động kiến tạo địa chất là nguyên nhân dẫn tới các trận động đất và núi lửa phun trào. Những học thuyết về nguồn gốc sự sống đã công nhận cuộc sống bắt nguồn xung quanh những lỗ thông hơi của núi lửa nằm sâu dưới đại dương - nơi sức nóng và nhiều loại khoáng chất phát tán mạnh mẽ.
12. Không gian
Không gian trong hệ Mặt trời của chúng ta tồn tại các thiên thể và sao chổi cùng với bụi và dấu vết của chất khí.
Ngay cả hiện tại, các tảng đá vũ trụ nhỏ bé vẫn rơi xuống Trái đất hàng ngày. Những thiên thể lớn có khả năng đâm xuống Trái đất tác động xấu cho cuộc sống của con người thì thường xuyên nhận được sự “chăm sóc đặc biệt” của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA).
Trong những năm đầu tiên hình thành sự sống trên Trái đất, các vụ va chạm lớn từ sao chổi và thiên thể giúp mang lại nguồn nước và những hóa chất quan trọng khác cho hành tinh xanh để bắt đầu hình thành sự sống.
13. Lịch sử hình thành lâu dài
Trái đất được hình thành cách đây 4,54 tỷ năm và phải mất hàng trăm triệu năm sau đó những dạng sống đầu tiên mới xuất hiện.
Tới khoảng 585 triệu năm trước, các động vật đa bào đầu tiên chỉ nhỏ bằng một viên thuốc mới bắt đầu hình thành.
Trong khi đó, con người "đặt chân" lên bề mặt Trái đất vào khoảng 4 triệu năm trước. Do đó, nếu Trái đất được hình thành muộn hơn, chúng ta sẽ không bao giờ có thể tự đứng trên 2 chân và bộ não phát triển đủ lớn để hiểu rõ về những đặc điểm “độc nhất vô nhị” chỉ có trên Trái đất.
Theo Infonet