Công nhân di dân Châu Á gởi tiền về nước nhiều hơn các di dân từ châu Phi, Châu Mỹ La Tinh và Đông Âu gộp lại.
BANGKOK — Các công nhân di dân Châu Á trong năm ngoái gởi về nước khoảng 260 tỉ đô la, nhiều hơn bất kỳ vùng nào khác trên thế giới. Số tiền gởi về nước, được gọi là kiều hối, trị giá gấp 5 lần viện trợ phát triển, nhưng các chuyên gia cho rằng tiến trình này không hữu hiệu và việc giảm bớt chi phí có thể giúp đẩy mạnh phát triển nhiều hơn. Thông tín viên VOA Daniel Schearf ở Bangkok gởi về bài tường thuật sau đây. Có khoảng 60 triệu công nhân di dân Châu Á trên thế giới. Những người này gởi tiền về nước nhiều hơn các di dân từ châu Phi, Châu Mỹ La Tinh và Đông Âu gộp lại.
Hơn 60% trong số 410 tỉ đô la kiều hối trong năm ngoái được gởi về Châu Á, nơi mà cứ 10 gia đình thì có một gia đình nhận được tiền của người thân gởi về từ nước ngoài.
Các nước nhận được tiền nhiều nhất theo thứ tự là Ấn Độ, Trung Quốc, Philippines, Pakistan, Bangladesh, Việt Nam và Sri Lanka.
Một phúc trình của Liên Hiệp Quốc được công bố hôm thứ Hai cho biết là tiền chuyển về giúp giảm bớt nghèo khó nhiều hơn là tổng số tiền viện trợ phát triển quốc tế.
Tuy nhiên, phúc trình có tên là “Gởi Tiền về Nhà tại Châu Á” kết luận là tiến trình này tổn phí quá nhiều, trung bình khoảng 9%, và việc lựa chọn để đầu tư số tiền này quá ít.
Có khoảng 60 triệu công nhân di dân Châu Á trên thế giới.
Ông Kevin Cleaver, phụ tá Phó chủ tịch tại Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế của Liên Hiệp Quốc cho biết nếu phí tổn được giảm bớt sẽ có nhiều tiền hơn để thực hiện các dự án đầu tư trực tiếp. “Hãy nhìn vào con số này. Chỉ một năm không thôi có đến 260 tỉ đô la kiều hối gởi về Châu Á. Nếu 10% của số tiền này được dùng để đầu tư, và một nửa số 10% này được sử dụng trong nông nghiệp tức khoảng 13 tỉ đô la thì đây là số tiền lớn hơn tất cả những khoản viện trợ phát triển chính thức cho nông nghiệp trong năm 2012.”
Ông Cleaver nói có quá nhiều quốc gia tại Châu Á không cho phép cạnh tranh nhiều trong dịch vụ chuyển tiền, và điều này gây nên hậu quả độc quyền làm cho phí tổn tăng cao.
Trong khi chi phí tại một số quốc gia ở Trung Á dưới mức trung bình toàn cầu là 7%, các nước khác tại Châu Á-Thái Bình Dương như Trung Quốc, chi phí vào khoảng 10% hay hơn nữa.
Phúc trình này được soạn thảo chung bởi Quỹ Quốc tế Phát triển Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc và Ngân hàng Thế giới. Phúc trình cho biết cần có thêm nhiều dịch vụ tài chánh song song với dịch vụ kiều hối.
Ông Massimo Cirassino là quản trị viên đặc trách cơ sở hạ tầng tài chánh và kiều hối tại Ngân hàng Thế giới. Ông nói nhiều công nhân di dân và gia đình không có tài khoản trong ngân hàng, và chỉ có khoảng một phần tư số kiều hối nhận được là được để dành hay đầu tư.
“Họ chỉ tiếp xúc với khu vực tài chánh khi nhận tiền. Và thông thường bằng tiền mặt và họ tiêu xài cũng bằng tiền mặt. Do đó nếu chúng ta có thể thúc đẩy những dịch vụ này bằng cách gia tăng số lượng những dịch vụ tài chánh cho những cộng đồng này, hoặc là cơ hội để dành, tín dụng hay tín dụng nhỏ hoặc bảo hiểm nhỏ, thì tôi nghĩ đây là một việc quan trọng cần phải làm.”
Ông Massimo cũng nói công nhân di trú, thường không có giấy tờ hợp lệ, cần được giáo dục và giúp đỡ để tránh bị bóc lột.
Phúc trình được đưa ra vào lúc Diễn đàn Toàn cầu về Kiều hối lần thứ tư được tổ chức tại Bangkok. Hội nghị ba ngày này có sự tham dự của các nhà hoạch định chính sách, những người cung cấp dịch vụ, các người cho vay và những nhà hoạt động để thảo luận về vấn đề này.
Năm 2009, các nước giàu nhất trên thế giới, khối G-8, đặt ra chỉ tiêu là giảm bớt phí tổn kiều hối toàn cầu xuống mức 5% vào năm 2014.
Theo Vovtiengviet