Sau sự kiện 30-4-1975 Việt Cộng đã thay đổi tên đường phố Sài Gòn. Ví dụ như con đường Công Lý được đổi thành Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Hay đường Tự Do đổi thành Đồng Khởi.
Đường Tự Do thời VNCH
Những người ở tù chung với Vũ Hoàng Chương tại khám Chí Hoà thời gian sau tháng 4 năm 1975 kể lại rằng trong nhà giam Cộng Sản, một lần, khi nhắc chuyện đường xá thay tên ở Sài Gòn, nhà thơ hàng đầu của văn học Việt Nam thế kỷ XX (bằng một giọng chắc là ngán ngẩm lắm), đã đọc hai câu này:
Nam Kỳ Khởi Nghĩa tiêu Công Lý
Đồng Khởi vùng lên mất Tự Do
Ở Sài Gòn, đường Công Lý chạy song song với đường Pasteur ngang tòa án sau tháng 4 liền bị đổi thành Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Đường Tự Do bị đặt tên mới là đường Đồng Khởi. Công Lý và Tự Do mất tiêu sau khi có Nam Kỳ Khởi Nghĩa và Đồng Khởi.
Chữ nghĩa của nhà thơ họ Vũ thật ghê gớm. Đối nhau chan chát. Hai câu đều mang tính chất tiên tri như người Việt Nam đã thấy quá rõ. Không chỉ hai con đường rất đẹp của Sài Gòn bị mất tên, mà hai thứ quí giá nhất của miền Nam là công lý và tự do cũng không còn nữa.
Không như những cái tên lịch sử mà Cộng Sản thù ghét bị thay tên mới lập tức, đường Công Lý hoàn toàn không đụng chạm gì tới những người chủ mới của Sài Gòn cũng bị dẹp bỏ vì những người Cộng Sản rất dị ứng và thù ghét công lý. Trong khi tên đường Tự Do thì chỉ có chính phủ mới được quyền nhận vơ ghép vào giữa hai thứ mà họ chẳng hề đem lại cho cái nước Cộng Hoà Xã Hội chủ nghĩa Việt Nam là Độc Lập và Hạnh Phúc.
Vũ Hoàng Chương bị bắt vào khám Chí Hòa. Ông bị giam chung cùng một số nhà trí thức khác.
"...Một hôm ông thố lộ là ở trong tù ông có phần thích thú vì đã được Thủ tướng bưng bô vệ sinh cho mình. Mãi sau người nhà ông mới biết bị giam chung cùng với ông là Bác sĩ Phan Huy Quát. Bác sĩ Quát đã có thời làm Thủ tướng chính phủ dân sự VNCH do Cụ Phan Khắc Sửu là Quốc trưởng. Vì mến thương Vũ Hoàng Chương và vì lương tâm của người y sĩ, trong thời gian bị giam chung, Bác sĩ Quát đã tận tình chăm sóc cho nhà thi sĩ bất hạnh đau yếu, và không ngần ngại giúp đỡ cả việc vệ sinh hàng ngày. Đó là niềm vui cuối cùng của thi sĩ họ Vũ trước khi ông lìa đời ngày 6 tháng 9 năm 1976."