Sau cơn mưa sáng, trời Sài Gòn mát mẻ và bình yên như vốn có.
Đang nhâm nhi tách cà phê với mấy ông bạn già bên quán cóc vỉa hè thì bất chợt điện thoại reng. Liếc thấy số máy của đứa cháu gái đang công tác dưới Long An.
- Cháu à. Khỏe không? Có việc gì mà gọi chú sớm thế?
Sột soạt mãi rồi cũng có tiếng thút thít trả lời:
- Cháu bị trượt tiến sỹ đợt này rồi chú ơi!
- Thiếu người "Nâng đỡ trong sáng" à. Hay là không đúng lộ trình cơ cấu?
- Chồng cháu ghen, làm hỏng bướm!
Nóng quá. Vứt điện thoại xuống bàn: "Vớ vẩn! Nhớ mà đóng cửa bảo nhau".
Cháu gái tôi họ Phạm, tên Lệ Hường, giảng viên khoa Triết học trường đại học Nông nghiệp và Nhân văn. Học lực xoàng xoàng nhưng trời phú cho chút nhan sắc “nhìn vô xịt máu mũi” nên được nhà trường giữ lại làm chân trợ giảng. Đang làm luận án tiến sỹ với đề tài khoa học: "Muốn cho lạc mẩy khoai to, biện pháp cấp bách đầu tiên là phải tích cực diệt bướm". Mới đọc qua cái tên luận án này thôi đã thấy buồn cười vì xưa nay chỉ nghe người ta nói diệt sâu chứ mấy ai nói diệt bướm đâu? Ban đầu Hội đồng khoa học bắt đặt lại tiêu đề thay chữ "diệt bướm" bằng chữ "diệt sâu", nhưng khi xem lại trong hồ sơ lưu trữ của Nhà trường thì đã có gần tám mươi đề tài có tên là "diệt sâu" rồi nên họ đành chấp nhận cho từ "diệt bướm". Tuy nhiên, bản luận văn phải viết thêm lời chú thích "Lý do ta phải tích cực diệt bướm vì bướm nằm trong vòng đời để sinh ra sâu, nơi nào có sâu ắt có bướm và ngược lại".
Bữa đặt tên đề tài khoa học này cháu nó có điện thoại hỏi tôi. Tôi chỉ im lặng ậm ừ cho qua chuyện. Bình sinh, tôi không có được tâm hồn lâng lâng bay bổng như các nhà thơ nhưng ông trời cũng đã thương tình ưu ái ban cho chút đa sầu đa cảm "tâm hồn treo ngược lên cành cây" mấp mé nhà thơ vậy. Do đó khi nghe từ "diệt bướm" lòng dạ tôi đau buồn lắm lắm. Từ ngàn đời nay bướm là biểu tượng cho cái đẹp, cái mộng mơ. Biết bao nhiêu các quý ngài thi sỹ, nhạc sỹ, họa sỹ đã lấy hình ảnh lung linh sắc màu gợi cảm của bướm để làm đề tài cho những sáng tác bất hủ của mình. Và cũng chính hình tượng bướm đẹp mê mẩn ấy, đã làm tan nát biết bao nhiêu trái tim nam thanh nữ tú. Nói đâu xa, mới gần đây nhất là bản hít "Con Bướm Xuân" do ca sỹ trai đẹp Hồ Quang Hiếu trình bày đã làm thiên hạ dậm dựt như lên cơn sốt phát cuồng. Già cả như tôi mà còn hoan hỷ vung vít chân tay chứ đừng nói chi lớp trẻ. Tức nhất là thích mà không dám hát theo vì nhớ lời vợ dặn "Cô hàng xóm nõn nà phốp pháp mới dọn về sát bên nhà mình tên Xuân đó anh. Anh mà suốt ngày nghêu ngao: Con bướm Xuân, con bướm xinh, con bướm đa tình, lỡ như ông chồng cô ta hiểu nhầm rồi ghen ẩu là sinh chuyện rấy rà đó". Tính tôi ngoan hiền và biết nghe lời vợ, vậy nên tốt nhất là nhịn hát cho nó lành.
Tội nghiệp cháu tôi, mất hơn hai tháng trời cần mẫn sao chụp cắt xén các tài liệu có liên quan đến sâu đến bướm. Phần lý thuyết kể như đã tạm ổn. Riêng phần thực hành mới thật sự cam go. Bởi vì muốn có bộ sưu tập về bướm thiệt thì phải lên Đà Lạt. Trên ấy nhiều hoa mới lắm bướm chứ nằm ở Long An đất phèn chua mặn thì bướm ở đâu ra?
Tạm thời xa vắng ông chồng vài bữa, cùng giáo sư hướng dẫn đề tài rong ruổi lên thành phố Đà Lạt mộng mơ. Hành lý mang theo khi về trên chiếc xe giường nằm Phương Trang cơ man nào bướm mẹ, bướm con, bướm bà, bướm cháu. Riêng màu sắc thì khỏi nói: đầy đủ trắng, vàng, xanh, đỏ, lục lam chàm tím...vv.
Ngắm bộ sưu tập được đóng thành quyển của học trò, giáo sư hướng dẫn đề tài nhận xét qua tin nhắn: "Bướm của em hấp dẫn lắm. Khi ra bảo vệ trước Hội đồng khoa học chỉ cần bôi trơn một chút là chắc chắn qua cầu".
Cơ khổ cháu tôi. Ông chồng mới được cất nhắc làm Tổ trưởng tổ tiếp dân ở huyện, tính khí cục cằn thô lỗ và hay ghen vặt. Đọc trộm được tin nhắn trong điện thoại của vợ, cục tức phình lên chèn ngang cổ họng, hầm hầm lôi bộ sưu tập bướm của vợ ra đập nát tanh bành: "Bướm này! Này thì bướm này! Tiến với sỹ cái khỉ gió. Tiên sư con đĩ..."
VietBF@sưu tập
|