Khi nộp đơn xin việc tại các công ty do nam giới đứng đầu, nhiều phụ nữ ở Nhật Bản bị nơi tuyển dụng đặt ra các câu hỏi khá nhạy cảm, riêng tư.
1/3 trong giới phụ nữ Nhật Bản cho rằng mình đã bị quấy rối khi đi xin việc. (Ảnh: Shutterstock)
Akiko chưa từng bị đặt ra những câu hỏi khó xử hay được rủ đi nhậu cùng với người trực tiếp phỏng vấn tuyển dụng. Nhưng cô có biết nhiều phụ nữ đã gặp phải những câu hỏi quấy rối trong các buổi phỏng vấn.
"Tôi cảm thấy may mắn vì thường nộp đơn xin việc tại các công ty quốc tế. Một số bạn bè của tôi đã kể những câu chuyện mà lúc đầu tôi cứ nghĩ là chuyện đùa", cô nói.
Những câu hỏi thật khiếm nhã
Cô Akiko cho biết, những câu hỏi như
"Bạn đã có người yêu hay chưa?" hay
"Bạn dự định lấy chồng hay không?" xuất hiện rất thường xuyên trong các buổi phỏng vấn.
Không chỉ dừng lại ở đó, một số sinh viên nữ còn lên mạng xã hội kể lại những trải nghiệm còn tồi tệ hơn. Họ bị hỏi, bạn trai đến nhà mình bao nhiêu lần một tuần, thậm chí còn bị hỏi về màu quần lót đang mặc.
Không ít trường hợp, người tuyển dụng lại nhả ý mời ứng viên đi ăn tối hoặc uống rượu. Nhiều người lo lắng rằng nếu từ chối, họ sẽ mất cơ hội có việc làm.
Dù ít xảy ra, nhưng vẫn có những sự kiện gây ra chấn động.
Hồi tháng Giêng năm nay, một nhân viên tại tập đoàn kỹ nghệ
NEC bị bắt giữ do lời tố cáo đã hiếp dâm một nữ sinh viên đại học, theo tờ
Kyodo News đưa tin.
Người đàn ông này cuối cùng không bị truy tố, nhưng công ty
NEC đã cho sa thải và áp dụng quy trình nghiêm ngặt hơn khi làm việc với các ứng viên trong tương lai.
"Bạn có bạn trai hay chưa?", "quần lót bạn màu gì?" là những câu hỏi được người tuyển dụng đặt ra cho các phụ nữ tìm kiếm việc làm. (Ảnh: Reuters)
Một số nữ sinh viên chấp nhận những câu hỏi khiếm nhã như một sự
"thử thách" khi bước vào thế giới kinh doanh nghiệp do nam giới làm chủ. Tuy nhiên, nhiều người đang lên tiếng và không chấp nhận những hành vi phân biệt giới tính công khai trong môi trường làm việc.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, năm 2024, có đến 1/3 các nữ sinh viên bị quấy rối tình dục khi đi xin việc.
Mặc dù chưa có số liệu để củng cố về việc tình trạng này đang tăng hay giảm, nhưng các chuyên gia cho rằng vấn đề này đã có tồn tại nhiều năm qua. Chỉ khác là ngày nay, nhiều nữ sinh viên đã sẵn sàng gióng lên tiếng nói của mình.
"Mười năm trước đây, chẳng có ai muốn nói về việc này. Không ai báo cáo, nên nam giới dễ dàng làm càn hơn. Việc Bộ cho thực hiện cuộc nghiên cứu này và nhận diện quy mô của vấn đề là một điều rất tốt đẹp", giáo sư Sumie Kawakami đưa ra nhận định với tờ
This Week in Asia.
Sẽ dần dần biến mất
Dù không thể xem đó là một lời bào chữa, Sumie Kawakami tin rằng những câu hỏi không phù hợp mà phụ nữ thường bị gặp phải đến từ thế hệ đàn ông Nhật Bản lớn tuổi hơn.
Một số người đàn ông vẫn nghĩ rằng hỏi một phụ nữ về bạn trai là cách tạo không khí gần gủi khi bắt đầu một buổi phỏng vấn. Những người này chỉ đơn giản là không ý thức được đâu là giới hạn giữa phép lịch sự và việc xâm phạm đến đời tư.
"Tôi cho rằng một số người trong đó có phần vụng về trong sự giao tiếp, không quen nói chuyện với thế hệ trẻ hơn. Theo họ, câu hỏi này không có gì sai quấy cả", bà Kawakami lên tiếng.
Thống kê cho thấy 1/3 giới phụ nữ trẻ từng bị quấy rối là con số đáng báo động. Tuy nhiên, bà tin rằng điều này chủ yếu do vấn đề này trước đây chưa được báo cáo đầy đủ. Khi môi trường làm việc ngày càng thay đổi, những hành vi không phù hợp như vậy sẽ dần dần biến mất.
"Khi thế hệ trẻ dần dần được trao nắm giữ các vị trí quản trị và có trách nhiệm tuyển dụng nhân sự, vấn đề này chắc chắn sẽ giảm đi. Trong thập kỷ vừa qua, bộ phận nhân sự trong các công ty đã có những biện pháp mạnh hơn và mọi người cũng có nhiều kiến thức hiểu biết hơn trước đây", bà Kawakami khẳng định.
"Theo thời gian, điều đó sẽ lan rộng đến mọi bộ phận trong công ty và ngay cả những người đàn ông lớn tuổi, những người thường đặt câu hỏi không phù hợp, cũng sẽ hiểu rằng họ không thể làm như vậy và cần phải ứng xử thận trọng nhiều hơn", bà Kawakami nói thêm.
Bên cạnh đó, bà cũng tin rằng việc mời ứng viên đi uống rượu sau buổi phỏng vấn sẽ sớm bị coi là không còn phù hợp. Những công ty có phỏng vấn viên thường xuyên đặt câu hỏi thiếu tôn trọng sẽ bị đánh giá khá tiêu cực.
Hiện nay, bất cứ ai cũng có thể lên mạng xã hội để chia sẻ các trải nghiệm của họ. Điều này có thể nhanh chóng khiến cho một công ty bị gắn mác
"công ty đen" (thuật ngữ chỉ các công ty hoạt động bất hợp pháp hoặc có môi trường làm việc khá tồi tệ).
"Hiện tại, có rất nhiều việc làm và các công ty đang rất cần nhân sự giỏi, nên họ không thể để cho danh tiếng của mình bị ảnh hưởng theo cách này", bà Kawakami cho hay.
Dù vậy, một số trường đại học đã có hướng dẫn sinh viên thực hiện các biện pháp phòng ngừa khi tham gia vào cuộc phỏng vấn xin việc, chẳng hạn như chỉ gặp gỡ tại văn phòng công ty hoặc trong khuôn viên của trường.
Nhằm tăng cường sự an toàn, một số công ty cũng đã cho áp dụng các chính sách tương tự, bao gồm cấm nhân viên chia sẻ thông tin liên lạc cá nhân với ứng viên.